Chuyên gia quân sự, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Quân sự Nga Vladimir Prokhvatilov đánh giá, động cơ của xe tăng M1A1 Abrams nhanh chóng bị cát bụi bám vào và hỏng hóc, điều này đặc biệt nghiêm trọng ở Ukraine.
Ngoài ra, chúng tiêu thụ một lượng nhiên liệu khá lớn do sử dụng động cơ turbin khí và đây là gánh nặng hậu cần đối với Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU).
Xe tăng M1A1 Abrams hiện tại vẫn chưa tham chiến ở Ukraine. Ảnh: Defense News. |
“Xe tăng Abrams đã gặp vấn đề ở Trung Đông. Họ có động cơ turbin khí giống như động cơ trên máy bay. Chúng cũng được sử dụng trên xe tăng T-80 của chúng ta, chúng đã cho thấy hiệu quả mạnh mẽ. Những chiếc xe này chạy nhanh nhưng tiêu tốn lượng nhiên liệu khổng lồ. Chúng ta đã phải điều chỉnh lại trọng lượng của xe tăng T-80 để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Một yếu tố khác là Abrams nhanh chóng bị hỏng động cơ do bị cát bám vào cánh turbin. Có rất nhiều cát, đất sét và đất ở chiến trường Ukraine”, chuyên gia Vladimir Prokhvatilov nói.
Trong các cuộc chiến ở ở Trung Đông, người Mỹ đã học được cách nhanh chóng thay đổi động cơ trên thực địa. Quá trình này được sắp xếp hợp lý đến mức chỉ mất nửa giờ để thay xong động cơ. Tuy nhiên, đối với Ukraine, điều này là không thể vì AFU không có hệ thống hậu cần khổng lồ và được bảo vệ kỹ như Quân đội Mỹ.
“Họ cần thành lập các nhà máy sửa chữa mới ở đó để giải quyết vấn đề này, nhưng điều đó là không thể với Ukraine. Không rõ tại sao ngay từ đầu Mỹ lại giao Abrams cho Ukraine, bởi điều đó có nguy cơ đánh mất danh tiếng của những chiếc xe tăng. Xe tăng Mỹ thực tế chỉ phù hợp với các quốc gia NATO, vốn có nguồn ngân sách quốc phòng lớn và chịu chi”, chuyên gia quân sự Nga giải thích.
Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, bộ lọc không khí có thể trở thành vấn đề chính trong quá trình vận hành xe tăng M1A1 Abrams ở chiến trường Ukraine, vì động cơ turbin khí có thể bị hỏng sau khi bụi bẩn lọt vào bộ phận lọc.
Liên quan tới chiến sự, AFU vừa sử dụng một loại đạn rocket mới tấn công vào TP Donetsk.
Theo đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng), quân đội Ukraine đã phóng đạn rocket JROF HEF do Slovakia sản xuất và được các nước NATO viện trợ cho Kiev. Chúng chứa 9100 bi thép để tăng khả năng sát thương đối với các mục tiêu không được bảo vệ. Được bắn từ hệ thống pháo phóng loạt 122mm (MLRS), với tầm bắn tối đa khoảng 40,2 km.
JROF - tên lửa được phát triển ở Slovakia cho hệ thống BM-21 Grad MLRS của Liên Xô. HEF là tên viết tắt của NATO cho đầu đạn nổ phân mảnh hạng nặng.
Trước đó, ông Rodion Miroshnik, đại diện của Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng AFU đang sử dụng ồ ạt tên lửa do các nước phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu dân sự. Nhà ngoại giao này cho biết quân đội Ukraine đang tích cực sử dụng các tên lửa tầm xa Storm Shadow, SCALP, ATACMS, cũng như các biến thể của chúng với đầu đạn chùm để tấn công các mục tiêu phi quân sự, nhà ở và cơ sở hạ tầng dân sự.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố nước này sẽ xây dựng hệ thống công sự kiên cố tương tự của Nga kéo dài từ miền Đông tới khu vực phía Nam.
Thông tin này sau đó được củng cố thêm với tuyên bố của Phó chủ tịch Verkhovna Rada Urkaine Alexey Goncharenko nói rằng, quân đội Ukraine thực sự đã chuyển sang thế phòng thủ.
Theo ông, người Ukraine chỉ có thể chờ đợi bước đi tiếp theo của Moscow. Ông Alexey Goncharenko đánh giá, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga đang phát triển với “tốc độ điên cuồng” và chưa từng có tiền lệ.
Đầu tháng 11/2023, Phó chủ tịch Verkhovna Rada Maryana Bezuglaya đã kêu gọi Tổng tư lệnh AFU Valery Zaluzhny từ chức do thiếu kế hoạch hành động quân sự cụ thể cho năm 2024.
Người dân Ukraine đang làm nhiều cách để tránh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo các lệnh tổng động viên toàn quốc. Ảnh: Reuters. |
Theo tờ Klymenko Time, các trường đại học và trung tâm thương mại giúp những người Ukraine trốn quân dịch tránh bị huy động.
Điều này cũng được Chủ tịch Hội đồng Lực lượng Dự bị của Lục quân Ukraine Ivan Timochko xác nhận. Cụ thể, các trường đại học thực hiện tuyển sinh và báo trúng tuyển “có trời mới biết khoa nào”, còn các trung tâm thương mại cũng cung cấp hợp đồng lao động với vị trí bốc dỡ hàng hóa cho hàng loạt công dân Ukraine. Đây chính là khẽ hở để nhiều người Ukraine né tránh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trước đó, Thư ký Ủy ban Verkhovna Rada về An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc gia, Roman Kostenko thừa nhận sự thất bại trong việc tổng động viên ở Ukraine. Ông gọi lý do dẫn đến điều này là việc Tổng thống Volodymir Zelensky sa thải tất cả các ủy viên quân sự khu vực khiến công tác này bị đình trệ.