Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn các nguồn tin tại chiến trường đăng tải, lực lượng vũ trang Ukraine đang tăng cường các hoạt động trinh sát bằng UAV tại khu vực Nhà máy điện hạt nhân (NPP) Zaporozihye.
Theo đó, các đơn vị Nga đồn trú tại khu vực đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng ngăn chặn mọi hành động phá hoại có thể xảy ra. “Chúng tôi đã có sẵn các kịch bản phòng ngừa các hành động tấn công phá hoại từ đường sông tới trên bộ”, lãnh đạo nhóm tác chiến Nga trong khu vực cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozihye |
Liên quan tới nguy cơ NPP Zaporozihye bị tấn công, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi xác nhận với kênh truyền hình Nhật Bản NHK rằng, khu vực NPP Zaporozihye cần các biện pháp bảo vệ đặc biệt và hiệu quả để tránh bị kéo vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông Rafael Grossi cho biết, IAEA không được tiếp cận và kiểm tra khu vực mái của NPP Zaporozihye, nơi theo cáo buộc của phía Ukraine là Nga đã đặt chất nổ để sẵn sàng phá hủy nhà máy. Trước đó, phía Nga đã cho các chuyên gia IAEA được tiếp cận một số khu vực trong nhà máy, trong đó có bể chứa dung dịch làm mát.
Trước nguy cơ NPP Zaporozihye bị tấn công, theo hãng tin Izvestia các đơn vị phòng thủ Nga đang tăng cường tuần tra và củng cố tuyến phòng thủ gần hồ thủy điện Kakhovka. Hiện tại, hồ nước này đã gần như cạn kiệt sau khi đập thủy điện Nova Kakhovka bị phá hủy.
Một chỉ huy quân đội Nga có biệt danh Sterkh cho biết, nhiệm vụ chính của các đơn vị phòng thủ là bảo vệ tả ngạn bờ sông Dnieper và ngăn chặn các hành động đổ bộ từ phía Ukraine nhằm vào đây: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như bố trí các lực lượng tuần tra theo sát tình hình”.
Izvestia đăng tải, các tuyến phòng thủ của Nga được bố trí cách xa bờ sông và được gia cố bằng ván gỗ. Vị trí phòng thủ của Nga chỉ cách nơi đồn trú của binh sĩ Ukraine khoảng 5-6km nên mọi kịch bản đều có thể xảy ra.
Mới đây, cả Nga và Ukraine đã lên tiếng cáo buộc lần nhau chuẩn bị tấn công nhằm vào NPP Zaporozihye. Sự việc này đặc biệt nóng lên khi Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius đang tới gần.
Liên quan tới vai trò của Ukraine tại Hội nghị NATO sắp tới, Tạp chí Financial Times dẫn các nguồn tin ngoại giao đăng tải, các thành viên NATO đang cân nhắc cẩn trọng các ngôn từ về vị thế của Kiev trong các phiên họp của khối sắp tới.
Hiện tại, các quốc gia NATO vẫn chưa đồng thuận về các tuyên bố chính thức liên quan tới tương lai và vai trò của Ukraine với khối quân sự này. “Tất nhiên, mong muốn hiện tại của Ukraine là nhận được lời mời chính thức, nhưng do sự thiếu thống nhất trong khối, nên sẽ không có bất kỳ ngôn từ này đề cập tới khả nang Ukraine sẽ sớm được gia nhập”, Tạp chí Financial Times đăng tải.
Cả Mỹ và Đức cũng đều phản đối mọi tuyên bố liên quan tới vấn đề an ninh tập thể và nghĩa vụ an ninh của NATO đối với Ukraine; đảm bảo khả năng gia nhập khối của Ukraine sau những “cải cách cần thiết”. Trong khi đó, nhiều quốc gia NATO khác đang tìm kiếm cách tiếp cận mềm mỏng hơn.
“Ngôn từ đề cập tới vị trí và vai trò của Ukraine là thách thức lớn đối với NATO. Mặc dù tất cả các thành viên của khối đều biết Ukraine không thể gia nhập khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng những cuộc thảo luận về ngôn từ liên quan tới quốc gia Đông Âu này luôn nhận được sự quan tâm lớn”, Tạp chí Financial Times đăng tải.
Mỹ đã quyết định viện trợ bom, đạn chùm cho Ukraine |
Liên quan tới việc Mỹ quyết định viện trợ bom, đạn chùm cho Ukraine, Điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, John Kirby cho biết, hành động trên của Washington là để bù đắp lại sự thiếu hút đạn pháo của Ukraine tại tiền tuyến. Ông John Kirby nhấn mạnh, Mỹ đã tính tới những lo ngại về vấn đề thương vong dân sự do hậu quả bom chùm gây ra.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Duma quốc gia Nga, Leonid Slutsky cho biết, Quân đội Ukraine đã sử dụng bom chùm trong chiến đấu và nhằm vào các mục tiêu dân sự dễ tổn thương. “Chúng tôi đã ghi nhận bom chùm được sử dụng tại Izyum vào năm 2022 sau khi thành phố do phía Nga kiểm soát. Chứng cứ về vụ tấn công đã được Tổ chức Nhân quyền quốc tế ghi nhận. Nên không có nghi ngờ gì nếu Kiev tiếp tục sử dụng chúng trong xung đột”, ông Leonid Slutsky nói.
Cựu Trung tướng Quân đội Mỹ Mark Hertling đánh giá, bom, đạn chùm sẽ không giúp Ukraine giành lợi thế hay tạo đột phá trong phản công. Cựu lãnh đạo Quân đội Mỹ nhận định, bom chùm sẽ không giúp dọn sạch các bãi mìn hay vô hiệu hóa chiến hào kiên cố. Thậm chí, đạn con từ bom chùm có thể gây nguy hiểm cho chính binh lính Ukraine phải tiến vào khu vực còn chứa rất nhiều đạn con chưa phát nổ.
Thủ tướng Cambodia, Samdech Techo Hun Sen cũng nói về những “kinh nghiệm đau thương” của nước này do tác hại lâu dài của bom chùm do Mỹ rải xuống từ thời chiến tranh. Thủ tướng Cambodia nhấn mạnh, việc Kiev sử dung bom chùm sẽ là thảm họa với người dân Ukraine và chúng sẽ là mối nguy cơ không chỉ kéo dài vài năm, mà thậm chí là hàng trăm năm sau.