Theo kênh Telegram theo dõi tình hình chiến sự Ukraine, toàn bộ con sông phía đông của thị trấn Bakhmut đã không còn bóng dáng của các nhóm binh sĩ Ukraine, nhưng vẫn còn một số nhóm liều chết của Ukraine hoạt động gần cơ sở Avtodrom. Các biệt đội tình nguyện Tập đoàn Wagner của Nga đã vào đến gần trung tâm thị trấn chiến lược này.
Sau khi các lực lượng chính của Ukraine rút khỏi phía đông, các lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn quận Myasokombinat.
Trong khi đó, nhiều hình ảnh được người dân và binh sĩ Ukraine ghi lại các đoàn xe quân sự Ukraine cố gắng vượt qua tầm đạn pháo của Nga để rút khỏi địa điểm chiến lực này, trong đó đã có nhiều xe bị trúng đạn và nổ tung.
“Nồi hầm” Bakhmut đang tới hồi kết. Ảnh: Topwar. |
Về cơ bản, việc Ukraine còn kiểm soát Bakhmut chỉ có thể tính bằng ngày.
Còn tờ Theo New York Post của Mỹ đăng tải, quân đội và dân thường Ukraine hôm 4/3 đã chạy khỏi "địa ngục trần gian" Bakhmut khi các lực lượng Nga tiến gần hơn đến việc chiếm thị trấn này.
Hai cây cầu trong thành phố đã bị phá hủy trong hai ngày qua, bao gồm một cây cầu nối tuyến đường tiếp viện chính cuối cùng của quân đội Ukraine tại Bakhmut với thành phố Chasiv Yar, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm 4/3.
Báo cáo lưu ý, quân đội Ukraine bên trong Bakhmut đang phải “chịu áp lực ngày càng lớn" khi cả quân đội Nga lẫn các tay súng Wagner đang tiến vào vùng ngoại ô và có thể tấn công vào trung tâm thành phố từ 3 phía.
Một chỉ huy của quân đội Ukraine yêu cầu giấu tên nói với hãng tin AP rằng hiện tại quá nguy hiểm đối với dân thường để rời khỏi Bakhmut bằng các phương tiện cơ giới và thay vào đó, mọi người phải chạy hoặc đi bộ.
Một số người dân đã tiết lộ về các cuộc giao tranh dữ dội hàng ngày, diễn ra gần như không ngừng nghỉ, biến phần lớn Bakhmut thành đống đổ nát. Bất chấp chiến sự ác liệt, vợ chồng Hennadiy Mazepa và Natalia Ishkova đã chọn ở lại Bakhmut nhưng cho biết họ đang thiếu trầm trọng lương thực và các tiện ích cơ bản.
“Viện trợ nhân đạo chỉ được gửi cho chúng tôi mỗi tháng một lần. Không có điện, không có nước, không có khí đốt”, bà N. Ishkova nói.
“Tôi cầu Chúa cho tất cả những người còn lại ở đây sẽ sống sót”, bà Ishkova nói thêm.
Liên quan tới tình hình chiến sự nguy ngập tại Bakhmut, bất đồng đã này sinh giữa Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Valeriy Zaluzhny.
Theo tờ Bild của Đức, bất đồng nảy sinh khi 2 nhân vật lãnh đạo Ukraine có quan điểm khác biệt về vấn đề Bakhmut. Trong khi tướng Valeriy Zaluzhny muốn lực lượng phòng thủ Ukraine rút khỏi thị trấn vì lý do chiến thuật, thì Tổng thống lại muốn giữ Bakhmut bằng mọi giá.
Về vấn đề này, một nhà phân tích quân sự Ukraine giấu tên cho biết, đa số binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến không hiểu lý do tại sao lại phải cố giữ Bakhmut bằng mọi giá và đặt ra câu hỏi: Chiến lược giữ thị trấn này có vai trò gì và Tại sao lực lượng phòng thủ phải liều chết khi đã bị bao vây.
Tờ Bild đánh giá, nếu toàn bộ khối quân chủ lực của Ukraine tại Bakhmut bị hợp vây, thì đó sẽ là một thảm họa.
Đã xuất hiện những thông tin về khả năng Ukraine sẽ nhận viện trợ máy bay F-16 Fighting Falcon, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để phi công Ukraine có thể làm quen và sử dụng thành thạo máy bay chiến đấu theo chuẩn NATO |
Trong khi tình hình chiến trường miền Đông nóng bỏng, hãng tin NBC News đưa tin, hai phi công Ukraine đang được "đánh giá" ở Mỹ để xem họ sẽ mất bao lâu để hoàn thành khóa huấn luyện máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16.
Dẫn lời các quan chức, hãng tin cho biết hai phi công này được đánh giá ở Tucson, Arizona, trong khi các phi công Ukraine khác có thể đang trên đường đến.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết sự kiện ở Arizona về cơ bản là một cuộc thảo luận giữa các nhân viên Lực lượng Không quân, đồng thời quân đội Ukraine có thể quan sát cách Lực lượng Không quân Mỹ hoạt động.
Sự kiện này nhằm hỗ trợ các phi công Ukraine trở nên hiệu quả hơn và tư vấn cho họ về cách phát triển khả năng của chính họ", quan chức này cho biết. Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng chương trình mô phỏng.
Chính phủ Ukraine từ lâu đã kêu gọi phương Tây gửi các máy bay chiến đấu tiên tiến để thay thế các máy bay thời Liên Xô mà họ đang vận hành. Nhưng lực lượng ủng hộ Kiev cho đến nay vẫn phản đối những yêu cầu như vậy.
Trong chuyến công du tới Anh, Pháp và Bỉ hồi tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại lời kêu gọi của ông đối với máy bay phản lực, gọi chúng là "đôi cánh cho tự do".
Trong chuyến thăm của ông Zelensky tới London, chính phủ Anh thông báo rằng nước này sẽ mở rộng việc đào tạo các lực lượng Ukraine, bao gồm cả các phi công máy bay chiến đấu.
Theo Glen Howard, chủ tịch của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation có trụ sở tại Washington D.C., việc Anh chính thức chỉ ra rằng họ sẽ triển khai khóa huấn luyện này cho thấy Mỹ đã hành động "chậm trễ" đối với việc mà lẽ ra họ phải bắt đầu "từ lâu".
Ông nói với Newsweek rằng các phi công Ukraine có "mong muốn cháy bỏng được lái những chiếc F-16", đồng thời lưu ý họ đã có chút quen thuộc với loại máy bay phản lực đa năng này.
Frank Ledwidge, cựu sĩ quan quân đội Anh, nói với Newsweek: "Đây là một tình huống hợp lý, thiết thực. Khả năng cao là Mỹ sẽ gửi một số máy bay phản lực này cho Ukraine trong vài tháng tới".
Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc, ông Colin Kahl cho biết vào ngày 28/2 rằng Mỹ hoặc bất kỳ đồng minh nào của Ukraine đều chưa đưa ra quyết định cung cấp F-16.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden một lần nữa bác bỏ khả năng điều F-16 tới Kiev.
"Tôi đang loại trừ khả năng đó vào lúc này", ông Biden nói với ABC News.