Chiến sự Nga - Ukraine hôm nay (5/3): Đức muốn “đổ dầu vào lửa”
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga trong bài phỏng vấn một tù binh Ukraine có tên Yevhen Kryklivy đăng tải, sau khi huấn luyện sơ sài tại trung tâm Warcop ở Anh, các tân binh Ukraine nhanh chóng bị đẩy ra mặt trận với nhiều trải nghiệm kinh hoàng.
Đức tuyên bố sẽ mở nhà máy lắp ráp xe tăng tại Ukraine. Động thái này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga. |
Theo đó, rất nhiều binh sĩ Ukraine thiếu vũ khí, đạn dược và không nhận được sự tôn trọng của các binh lính khác trong đơn vị. Về cơ bản, những tân binh này chỉ làm nhiệm vụ hậu cần và dọn dẹp trong vòng hơn 1 tháng tại căn cứ đóng quân của Lữ đoàn dù số 25 ở Zhytomyr.
“Họ bỏ rơi chúng tôi và không cấp phát vũ khí và quân trang. Chúng là bọn lừa đảo. Chúng tôi sau đó được thuyên chuyển sang đơn vị mới khi đơn vị chiến đấu cũ cơ bản bị hủy diệt. Và tôi bị bắt sau đó”, tù binh Yevhen Kryklivy chia sẻ.
Theo thông tin mới nhất được Đại sứ Ukraine tại Anh Vadim Prystaiko, London đã quyết định tăng gấp đôi số lượng tăng Challenger 2 dự kiến viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm những chiếc xe tăng này được chuyển giao
Liên quan tới việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine, ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành Tập đoàn Rheinmetall đã tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Rheinische Post của Đức.
Theo đó, công ty đang đàm phán với Kiev về việc thành lập nhà máy xe tăng trị giá 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD).
“Một nhà máy Rheinmetall có thể được thành lập ở Ukraine với chi phí khoảng 200 triệu euro, có thể sản xuất tới 400 chiếc xe tăng kiểu Panther mỗi năm”, ông A. Papperger nói.
Phát biểu của A. Papperger đề cập chiếc xe tăng Panther KF51 mới nhất của công ty được ra mắt vào tháng 6/2022. Loại xe tăng này dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 của Đức, nhưng trang bị pháo 130mm lớn hơn với hệ thống nạp đạn hoàn toàn tự động.
“Các cuộc đàm phán với chính phủ Ukraine đầy hứa hẹn và tôi hy vọng sẽ có một giải pháp cuối cùng trong 2 tháng tới,” Papperger nói. Lãnh đạo của Rheinmetall cho rằng việc bảo vệ nhà máy khỏi các cuộc pháo kích của Nga sẽ không khó.
Ukraine cần 600 đến 800 xe tăng mỗi năm để giành chiến thắng - ông nói, vì thế việc xây dựng nhà máy mới cần bắt đầu sớm.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố của Papperger. Trong một bài đăng trên Telegram, ông D. Medvedep nói rằng nó giống như một ví dụ về “trò chơi khăm nguyên thủy”. Ông Medvedev cảnh báo, nếu người Đức “vốn được cho là thực dụng” thực sự quyết định xây dựng nhà máy này, nó chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của Nga và hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa.
“Sự kiện này sẽ được đánh dấu bằng tên lửa Kalibr và các thiết bị hỏa lực khác” - ông Medvedev viết.
Về cơ bản “nồi hầm” Bakhmut đã khép. Lực lượng Ukraine cố thủ có rất ít cơ hội rút khỏi đây. |
Đức đã cam kết cung cấp cho Ukraine ít nhất 14 xe tăng Leopard 2 từ kho của lục quân Đức và đồng ý cho các nhà khai thác vũ khí chế tạo tại Đức gửi vũ khí đó cho Ukraine.
Rheinmetall, một nhà thầu vũ khí hàng đầu của Đức, cũng đã cam kết cung cấp một số xe tăng Leopard 1 cũ hơn cho Kiev, đồng thời mua 88 xe đã loại biên từ Italia. Hồi tháng 2, ông Papperger cho biết các xe tăng cần phải được đại tu hoàn toàn trước khi chúng có thể được gửi đến Kiev, với chỉ 25 chiếc Leopards dự kiến sẽ đến Ukraine trong năm nay.Rheinmetall đánh giá dù Đức có cung cấp cho Ukraine toàn bộ 300 xe tăng Leopard 2 mà lục quân Đức có sẵn thì vẫn còn quá ít.
Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây chống lại việc bơm các loại vũ khí cho Ukraine, cảnh báo rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài tình trạng thù địch hơn là thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.
Theo cảnh báo của Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ không nên chủ quan, đưa ra những đánh giá phiến diện, hạ thấp khả năng quân sự hiện có của Nga.
Bộ trưởng Wormouth nói thêm rằng, theo đánh giá của một số tướng lĩnh Lầu Năm Góc, cho đến nay Nga vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng quân sự của mình, mới chỉ sử dụng phần nhỏ về lực lượng không quân, hải quân và khả năng chiến tranh mạng của mình trong xung đột ở Ukraine.
Ấn phẩm Life của Mỹ nhận định, Quân đội Nga vẫn chưa sử dụng vũ khí hiện đại mà Moscow mới sử dụng các loại “vũ khí hạng hai” trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đặc biệt nhất là Nga đã “tự trói tay” mình, bằng việc không ném bom trên diện rộng ở Ukraine.
Nga sử dụng lực lượng không quân tương đối hạn chế, ví dụ như không dùng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57, không thực hiện hoạt động ném bom diện rộng bằng các máy bay ném bom chiến lược, mà chỉ sử dụng tên lửa tấn công chính xác trên các máy bay này.
Trong khi đó, không quân là điểm mạnh nhất của Nga và cũng là phương tiện tấn công hỏa lực khủng khiếp nhất, có vai trò quan trọng nhất trong các cuộc chiến tranh thông thường hiện đại.
Nga cũng không sử dụng các hệ thống vũ khí mặt đất mới nhất, ví dụ như Nga chưa đưa vào tham chiến siêu tăng thế hệ 4 T-14 Armata, robot chiến đấu Uran-9, mà chỉ sử dụng xe tăng thì là T-90 và T-72.
Các vũ khí phòng không mới nhất như S-400 Triumf, Tor-M2, Buk-M3 vẫn chưa lên tiếng, mà chỉ có các hệ thống Tor-M1, Buk-M2, Pantsir-S…
Về hướng giải quyết xung đột tại Ukraine, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh tại Hội nghị thường niên của Đảng Cộng hòa rằng, cuộc xung đột có thể giải quyết trong vòng 1 ngày nếu ông một lần nữa trở thành ông chủ Nhà Trắng.
“Tôi có thể xử lý cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ với tư cách là Tổng thống Mỹ. Để làm được điều này trước hết tôi cần quyền hạn, vị trí lãnh đạo đất nước”, ông D. Trump tuyên bố.
Ông D. Trump không công bố kế hoạch giải quyết xung đột cụ thể, nhưng khẳng định đây là “việc không khó”.