Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Quốc gia châu Âu muốn sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine
Cựu cố vấn NATO và cựu sĩ quan tình báo Thụy Sĩ, Đại tá Jacques Beau nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh YouTube Dialogue Works rằng, Hungary, Romania và Ba Lan có thể muốn lấy lại một phần lãnh thổ của Ukraine mà trước đây là một phần của họ.
“Tôi thậm chí còn không đề cập đến thực tế là có một số quốc gia láng giềng, chẳng hạn như Ba Lan, Hungary và Romania, có thể muốn lấy phần lãnh thổ trước đây thuộc về họ”, ông Beau nói.
Ông nhấn mạnh, khả năng diễn ra các sự kiện như vậy đã được một số chuyên gia giả định. Theo cựu cố vấn NATO, thế giới hiện đang chứng kiến sự thay đổi chậm chạp của Ukraine.
Phi công Ukraine chưa thành thạo điều khiển F-16
Tờ Global Times dẫn lời ông Wei Dongxu, chuyên gia quân sự tại Trung Quốc cho rằng, phi công Ukraine chưa thành thạo điều khiển tiêm kích F-16 nên Kiev sẽ không sử dụng những máy bay này cho các nhiệm vụ phức tạp.
Ông lưu ý, Ukraine sẽ sử dụng F-16 chủ yếu trong 3 loại nhiệm vụ: Bảo vệ các địa điểm quan trọng khỏi các cuộc không kích của quân đội Nga; chiến đấu với các máy bay chiến đấu của Nga để đạt được ưu thế trên không tại các thành phố quan trọng chiến lược; một chiếc F-16 khác sẽ được sử dụng để săn lùng máy bay quân sự Nga trong không phận Ukraine, cũng như hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất.
Cơ hội cho Ukraine ngày càng thu hẹp
Hãng tin TASS dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu cho hay, cơ hội dành cho Kiev đang ngày càng thu hẹp; việc trì hoãn quyết định giải quyết tình hình mỗi ngày đang khiến người dân Ukraine phải trả giá đắt.
“Mỗi ngày chậm trễ trong việc đưa ra quyết định về việc giải quyết xung đột sẽ dẫn đến việc mất quyền kiểm soát đối với một phần lãnh thổ khác mà người Ukraine coi là của họ và quan trọng nhất là mất đi hàng nghìn sinh mạng”, ông Shoigu nói.
Nga nói ngăn chặn 300 tay súng xâm nhập từ Ukraine. Ảnh: RIA |
“Việc chính quyền Ukraine tiếp tục với ảo tưởng châu Âu sẽ sắp xếp cho Kiev một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tốt đẹp khác, tại đó mọi vấn đề nội bộ sẽ được tự giải quyết, đang khiến người dân Ukraine phải trả giá đắt. Sự lựa chọn là tùy thuộc vào chính người dân Ukraine”, ông Shoigu nhấn mạnh.
F-16 sẽ không tạo bước ngoặt ở Ukraine
Cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ba Lan, Tướng Leon Komornicki cho biết, sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 trong kho vũ khí Ukraine sẽ không dẫn đến bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga, vì yếu tố bất ngờ không phát huy tác dụng và vị trí của máy bay đã được biết trước.
“Trong mọi trường hợp F-16 cần phải sử dụng yếu tố bất ngờ, nhưng điều này đã không xảy ra ở Ukraine”, ông Komornicki nhấn mạnh.
Theo ông, quân đội Nga đã có thể xác định được các sân bay Ukraine nơi F-16 sẽ đóng quân, và việc tiêu diệt máy bay hiệu quả nhất không xảy ra trên không mà tại các sân bay.
“Tên lửa của Nga bây giờ sẽ nhắm vào các sân bay của Ukraine vì lượng phòng không của Ukraine là không đủ”, vị tướng Ba Lan nói.
“Câu hỏi quan trọng là liệu quân đội Ukraine có đủ khả năng để hỗ trợ hậu cần cho những chiếc máy bay này hay không”, ông Komornitsky đặt câu hỏi. Theo ông, kinh nghiệm của Thế chiến II cho thấy, đối với mỗi máy bay chiến đấu cần có 3 phi công đã được huấn luyện để người đầu tiên tiến hành các hoạt động trên không, người thứ 2 làm nhiệm vụ và người thứ 3 dự phòng.
Nga nói ngăn chặn 300 tay súng xâm nhập từ Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga thông tin, hơn 300 tay súng với 11 xe tăng, hơn 20 thiết giáp đã mở cuộc xâm nhập. Các đơn vị quân đội Nga và biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Nga (FSB) tại khu vực biên giới đẩy lùi đợt tấn công, gây thiệt hại cho các tay súng ở khu vực biên giới cũng như lực lượng dự bị của đối phương ở Sumy (Ukraine).
“Lực lượng Nga đã phá hủy 6 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh, 4 thiết giáp chở quân, 3 thiết giáp Kozak và 1 xe công binh của nhóm tay súng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
EU “bơm” thêm tiền cho Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch giải ngân 4,6 tỷ USD cho Ukraine như khoản thanh toán đầu tiên theo Cơ chế Ukraine.
Cơ chế Ukraine là kế hoạch của EU kéo dài trong 4 năm, sẽ huy động 36 tỷ USD dưới dạng cho vay và 18 tỷ USD tài trợ để chính phủ Kiev thực hiện những cải cách trong nước.
Trước đó, EU đã phê duyệt Cơ chế Ukraine vào tháng 2 và Hội đồng EU đã phê duyệt thỏa thuận khung vào giữa tháng 5, đặt ra các mục tiêu để Kiev sử dụng nguồn tiền nhằm phục hồi, tái thiết và hiện đại hóa đất nước.