Chiến sự Nga - Ukraine 27/1: Nga cảnh báo phương Tây liên quan đến các bước đi ở Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine ngày 28/1: Bakhmut nguy ngập, Kiev đang mất quyền kiểm soát |
Thông tin chiến sự
Giao tranh liên tục ở Bakhmut. Một chỉ huy Ukraine cho biết, giao tranh diễn ra liên tục trong và xung quanh TP. Bakhmut, trong bối cảnh quân Nga cố gắng giành quyền kiểm soát đường cao tốc Kostiantynivka-Bakhmut. Ông Volodymyr Nazarenko - Phó chỉ huy tiểu đoàn Svoboda thuộc Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 30/1 rằng: “Trong 5-6 tháng nay, khu vực gần Bakhmut là địa ngục sống. Đối phương liên tục tấn công. Và chúng ta có thể thấy thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng thế nào tới khả năng chiến đấu, tinh thần và điều kiện sống của từng binh sĩ”. Chỉ huy này cho biết, ông không thể nói chắc chắn liệu các lực lượng Nga có đang tiến hành một cuộc tấn công toàn diện không và liệu chiến thuật của họ có thay đổi không, nhưng có vẻ như lính dù Nga đã thay thế các chiến binh của nhóm đánh thuê Wagner.
Nga đã bắt đầu phản công lớn. Ngày 30/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã bắt đầu phản công lớn chống lại sự kháng cự của Ukraine. Từ nhiều tuần qua, ông Zelensky đã cảnh báo rằng Nga muốn tăng cường tấn công Ukraine sau khoảng hai tháng bế tắc trên chiến trường. Gần đây, các đợt tiến công của Nga sẽ dọc theo chiến tuyến ở phía nam và phía đông. Tổng thống Zelensky cho biết các cuộc tấn công của Nga ở phía đông diễn ra không ngừng cho dù họ bị thương vong nặng nề. “Tôi nghĩ rằng Nga thực sự muốn phản công lớn lớn. Tôi nghĩ họ (đã) bắt đầu việc đó”, ông Zelensky nói.
Nga tập kích sở chỉ huy lữ đoàn xe tăng của Ukraine. Hôm 30/1, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ tại các mặt trận miền Đông và miền Nam Ukraine. “Tại hướng tiến công Donetsk và Zaporizhia, các binh sĩ của chúng ta đã giành được những kết quả rất có lợi và kiểm soát thêm nhiều vị trí chiến lược. Từ những vị trí này, chúng ta đã tấn công sở chỉ huy của Lữ đoàn xe tăng số 1 của quân đội Ukraine gần khu vực Ugledar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk cùng Lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ số 102 tại khu định cư Uspenovka ở Zaporizhia”, Trung tướng Konashenkov tuyên bố.
Một số diễn biến liên quan
Nga cảnh báo leo thang xung đột nếu phương Tây gửi vũ khí cho Ukraine. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/1 cho rằng việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang đáng kể của cuộc xung đột. “Kiev đòi hỏi ngày càng nhiều vũ khí”, ông Peskov phát biểu trước báo giới sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk kêu gọi Đức gửi cho nước ông một tàu ngầm. Ông Peskov cũng nói các nước phương Tây đang “khuyến khích những yêu cầu này và tuyên bố sẵn sàng cung cấp những loại vũ khí như vậy”.
Mỹ không giao chiến cơ F-16 cho Ukraine. Trong một tuyên bố mới đưa ra ngày 30/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine ngay cả khi Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine dưới hình thức pháo binh và xe tăng. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói, ông không chắc mình có tới châu Âu vào tháng 2 không, đây là thời điểm đánh dấu 1 năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Pháp, Úc hợp tác sản xuất đạn pháo cho Ukraine. Pháp và Úc ngày 30/1 tuyên bố hai nước sẽ hợp tác trong một dự án trị giá hàng triệu USD để sản xuất “vài ngàn” quả đạn pháo cho Ukraine. Thông báo được đưa ra khi các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của cả hai nước hội đàm tại Paris. “Một vài ngàn quả đạn pháo 155 ly sẽ được sản xuất chung, với sự hợp tác chưa từng có giữa Úc và Pháp”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết trong một cuộc họp báo. Bộ trưởng Lecornu xác định rằng Nexter - công ty vũ khí của Pháp sẽ hợp tác với các công ty Úc cung cấp bột cho đạn pháo.
Anh tiết lộ thời điểm giao xe tăng Challenger cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã tiết lộ thời điểm xe tăng Challenger được triển khai tới chiến trường ở Ukraine. Ukraine sẽ nhận 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 từ Anh trước mùa hè, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace phát biểu trước Quốc hội ngày 30/1. Như vậy, xe tăng Challengers có thể sẽ xuất hiện trên chiến trường Ukraine sau xe tăng Leopard của Đức.
Pháp, Ba Lan để ngỏ khả năng cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 30/1 về việc liệu Pháp có viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine hay không, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết: “Về nguyên tắc, không có gì bị loại trừ”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, nếu kịch bản này xảy ra, Ukraine phải cam kết không sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga. Bình luận của ông Macron đưa ra sau cuộc họp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ông Rutte cho hay, cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine không phải là “điều cấm kỵ”, nhưng là một “bước đi lớn”.
NATO nêu cách duy nhất đưa Nga tới bàn đàm phán. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói khi đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc hôm 30/1: “Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà cầm quyền ở Moscow đang chuẩn bị cho hòa bình. Thay vào đó, chúng tôi thấy điều ngược lại. Chúng tôi thấy rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơn, họ đang huy động nhiều binh lính hơn, hơn 200.000 người, và có khả năng còn nhiều hơn thế.
Họ cũng đang tích cực mua vũ khí mới, mua nhiều đạn dược hơn, tăng cường sản xuất vũ khí của chính họ, nhưng cũng mua thêm vũ khí từ các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên”. “Trên hết, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã thay đổi mục tiêu tổng thể của chiến dịch quân sự này, đó là kiểm soát một nước láng giềng, kiểm soát Ukraine. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài”, ông Stoltenberg nói thêm.