Chiến sự Nga-Ukraine ngày 28/11: Bakhmut nguy khốn, Nga đã triển khai chiến dịch mùa đông? |
Thông tin chiến sự
- Ngày 28/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã nhắm vào vào nơi tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của lữ đoàn xe tăng 17 của Lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực nhà ga Moiseyevka của vùng Dnepropetrovsk. Kết quả là 8 đơn vị xe bọc thép và 5 ô tô của Ukraine đã bị phá hủy trong quá trình vận chuyển trên đường sắt. Ngoài ra, hơn 100 quân nhân Ukraine thiệt mạng.
Quân nhân của Nga trên lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye |
Theo hướng Kupyansk, lực lượng 2 nhóm chiến thuật đại đội của Lực lượng vũ trang Ukraine đã cố gắng tấn công các vị trí của Nga theo hướng làng Kuzemivka của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR). Tuy nhiên, hỏa lực Nga đã khiến cuộc tấn công này bị đẩy lùi, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine phải quay về vị trí ban đầu trong khu vực làng Berestovoe ở vùng Kharkiv. Hơn 50 quân nhân Ukraine, 1 xe tăng, 2 xe bọc thép chở quân và 1 xe bán tải bị phá hủy.
Theo hướng Krasno-Limansky trong khu vực rừng Serebryansky của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), hỏa lực pháo binh Nga đã đánh bại 2 nhóm chiến thuật đại đội của Lực lượng vũ trang Ukraine. Hậu quả là các đơn vị Ukraine bị phân tán, hơn 30 quân nhân Ukraine, 2 xe bọc thép và 3 xe bán tải bị tiêu diệt.
Trên hướng Artyomovsk, lực lượng gồm 4 đại đội chiến thuật của Lực lượng vũ trang Ukraine đã cố gắng phản công theo hướng các khu định cư Belogorovka, Bakhmutskoye, Yakovlevka và Ivangrad của DPR nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Nga. Tuy nhiên hỏa lực Nga đã khiến các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine bị chặn lại và phân tán. Có tới 80 quân nhân Ukraine, 1 xe tăng, 3 xe chiến đấu bọc thép, 2 xe bán tải và 1 ô tô bị phá hủy tại đây.
Ở hướng Nam-Donetsk, gần các khu định cư Neskuchnoye và Oktyayur (DPR), các cuộc tấn công bằng pháo của Nga đã đẩy lùi 2 cuộc phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong ngày, hơn 50 quân nhân Ukraine, 2 xe chiến đấu bọc thép và 1 xe chiến đấu bộ binh bị tiêu diệt.
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga sẽ sớm giáng loạt không kích kế tiếp nhằm vào lãnh thổ nước này, trong khi Nga bác bỏ đồn đoán cho rằng lính Nga chuẩn bị rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trong khi đó, ông Vladimir Konstantinov, người đứng đầu nghị viện Crimea, hôm 28/11 kêu gọi quân đội Nga tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng then chốt của Ukraine, cho đến khi nào đối phương hạ vũ khí.
- Một cựu tư lệnh quân đội Ukraine cho rằng lực lượng của nước này chuẩn bị tấn công để giành quyền kiểm soát Crimea, bán đảo sáp nhập Nga vào năm 2014.
Cựu tư lệnh lực lượng không quân tấn công của Ukraine, ông Mikhail Zabrodsky, cho biết kế hoạch dự định sẽ tiến hành vào năm 2023.
Ông cho biết chiến dịch sẽ không phải là việc tấn công trực diện mà sẽ là sự kết hợp của các lực lượng bộ binh, đổ bộ và không kích, bao gồm việc dùng các máy bay không người lái (UAV). “Chúng tôi sẽ khiến mọi người ngạc nhiên nhiều lần nữa”, theo ông Zabrodsky.
Một số diễn biến liên quan
- Truyền thông Ukraine dẫn thông tin từ Belarusian Hajun, một nhóm độc lập chuyên theo dõi hoạt động của vũ khí Nga, hôm 28/11 cho biết Nga có thể đã chuyển lô thiết bị quân sự lớn tới Belarus, trong đó bao gồm ít nhất 15 hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 và 10 đơn vị thiết bị kỹ thuật.
Theo các nhân viên đường sắt Belarus, đây không phải lô thiết bị quân sự cuối cùng của Nga được đưa tới Belarus. Nga chưa lên tiếng về tuyên bố từ phía Ukraine.
- Ngoại trưởng 7 nước đến Kiev. Ngày 28/11, Ngoại trưởng 7 nước vùng Baltic và Bắc Âu đến Kiev để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine đang chật vật đối phó tình trạng mất điện do Nga tấn công cơ sở hạ tầng.
Chuyến thăm của các nhà ngoại giao Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển diễn ra trước cuộc họp của ngoại trưởng các nước NATO tại Bucharest (Romania) từ ngày 29-30/11.
- Nga: Sẵn sàng để Vatican làm trung gian hòa giải nhưng Ukraine ngăn chặn. Nga khẳng định sẵn sàng để Vatican làm trung gian hòa giải cho xung đột tại Ukraine, tuy nhiên lập trường của Ukraine về cuộc xung đột này đã ngăn chặn kịch bản trên.
“Tất nhiên, chúng tôi chào đón thiện chí chính trị ấy (đề nghị làm trung gian của Vatican), nhưng dựa trên tình huống trên thực tế và theo luật pháp mà chúng ta đang có bên phía Ukraine, việc hòa giải ấy không thể đạt được”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 28/11.
- Nga tăng cương quyết kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia. Ông Petro Kotin, Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine, nói rằng đã nhận được thông tin cho thấy quân Nga có dấu hiệu rút khỏi nhà máy Zaporizhzhia.
“Không cần thiết phải tìm kiếm những dấu hiệu mà trên thực tế chẳng có bóng dáng, và cũng chẳng thể nào có việc này”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 28/11.
- Chính phủ Mỹ đang cân nhắc đề nghị của tập đoàn Boeing về việc cung cấp loại vũ khí chính xác, giá rẻ cho Ukraine trong bối cảnh phương Tây vất vả tìm vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kiev.
Boeing đã gửi đề xuất cho Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) về việc cung cấp loại vũ khí có tên Bom đường kính nhỏ phóng từ trên bộ (GLSDB), có tầm bắn 150 km cho Ukraine.
GLSDB là loại vũ khí dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS, có thể vượt qua một số hệ thống gây nhiễu và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, có thể chống lại các phương tiện bọc thép. Loại vũ khí này do hãng Saab (Thụy Điển) và Boeing (Mỹ) hợp tác sản xuất, được phát triển từ năm 2019.
Nếu được duyệt thi hành, Boeing ước tính sớm nhất là vào mùa xuân năm sau sẽ bắt đầu gửi GLSDB cho Ukraine.
- Thị trưởng thành phố Kiev của Ukraine, ông Vitali Klitschko ngày 28/11 cảnh báo nguy cơ người dân sinh sống trong khu vực này phải sơ tán một phần vì chính quyền dự đoán tình trạng mất điện sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023.
Ông Klitschko nói rằng, sau cuộc tấn công tên lửa mới nhất của Nga, chính quyền Kiev đã tìm cách khôi phục nguồn cung cấp nước và đảm bảo rằng tất cả các tòa nhà dân cư đều được sưởi ấm. Nguồn điện cho hầu hết các ngôi nhà cũng đã được khôi phục phần lớn trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện trên diện rộng, Kiev đang “chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau”.
Khi được hỏi về kế hoạch sơ tán, ông Klitschko trả lời: “Tôi không loại trừ trường hợp xấu nhất. Sẽ có một cuộc sơ tán”.
Ông Klitschko giải thích rằng đây sẽ là “sự di dời tạm thời số nhóm người nhất định đến vùng ngoại ô - nơi có thể sẵn có điện, nước hơn”. Quan chức này cho rằng, Kiev cần chuẩn bị trước kịch bản tình trạng mất điện có thể tiếp tục kéo dài đến mùa Xuân năm 2023.