Một số diễn biến liên quan
Nhà khoa học chính trị Serbia: Ukraine nên được coi là phần phía Tây của Nga. Nhà nghiên cứu Stevan Gajic, giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Âu ở Thủ đô Belgrade của Serbia cho rằng, Ukraine nên được coi là phần phía Tây của Nga.
"Ukraine nên được coi là lãnh thổ phía tây của Nga, nơi ngày nay là chiến trường. Trong trường hợp này, giữa phương Tây và Nga, hay nói đúng hơn là giữa phương Tây và phần lớn thế giới đang đấu tranh để chấm dứt quyền bá chủ của phương Tây”, ông Gajic lưu ý.
“Phương Tây muốn kéo dài chiến sự, rõ ràng là họ có ý định mở rộng phạm vi hoạt động sang một lãnh thổ châu Âu rộng lớn hơn. Chính vì lý do này mà sự hỗ trợ quân sự mới nhất đã được cung cấp cho Kiev. Xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO ngày càng gia tăng”, ông Gajic nói.
Trước đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhấn mạnh, các sự kiện ở Ukraine, trong đó có xung đột giữa Nga và phương Tây đang chậm rãi nhưng chắc chắn khiến thế giới “đến một thảm họa toàn cầu lớn”.
Mỹ có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm triển khai nhà thầu quân sự ở Ukraine. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, giới chức nước này đang xem xét khả năng dỡ bỏ lệnh cấm triển khai các nhà thầu quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Chính quyền ông Biden được cho đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm trên thực tế đối với việc các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine, nhằm giúp quân đội nước này bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.
Theo CNN, hiện nay để sửa chữa khí tài, thiết bị ở Ukraine phải được vận chuyển đến các nước láng giềng Romania và Ba Lan, nơi các chuyên gia Mỹ làm việc.
Tuy nhiên, thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder phủ nhận thông tin trên. “Tổng thống Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tuyên bố rõ ràng họ sẽ không gửi quân Mỹ đến Ukraine, điều này sẽ không thay đổi”, ông Ryder nhấn mạnh.
Mỹ có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm triển khai nhà thầu quân sự ở Ukraine. Ảnh: AP |
Nga nêu điều kiện khởi động đàm phán. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột ở Ukraine nên bắt đầu bằng một phương án rõ ràng.
"Đó cần phải là một sự khởi đầu rõ ràng. Ý tôi là không nên có bất kỳ điều khoản nào chuẩn bị trước do phương Tây đưa ra. Hoặc hãy để họ cung cấp cho chúng tôi một số bức tranh thực tế về cách phương Tây nhìn nhận về giải quyết xung đột", Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Ông Lavrov nhấn mạnh, quan điểm của Moscow về vấn đề này đã được Tổng thống Putin đưa ra hôm 14/6 khi ông gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Nga và Ukraine tiếp tục trao đổi tù binh. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow và Kiev đã trao trả cho nhau mỗi bên 90 tù binh trong cuộc trao đổi mới nhất mà Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) là trung gian.
Tổng thống Zelensky cũng xác nhận thông tin trong một bài đăng trên mạng xã hội. Nhà lãnh đạo này viết, 90 binh sĩ Ukraine đã được Nga trao trả hôm 25/6 bao gồm những người đã bảo vệ nhà máy thép Azovstal trong cuộc vây hãm kéo dài 3 tháng vào năm 2022 và những người bị bắt làm tù binh khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Ông Zelensky cảm ơn UAE và nhóm trao đổi đồng thời nói: "Chúng tôi nhớ tất cả những người Ukraine đang bị giam giữ ở Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách giải thoát cho tất cả mọi người".
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những người vừa được trao đổi đã phải đối mặt với mối nguy hiểm chết người trong thời gian bị giam ở Ukraine. Các binh sĩ Nga sau khi về nước đã được đưa tới Moscow để kiểm tra y tế.
Nga lên tiếng về kế hoạch của ông Trump. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng về kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine do 2 cố vấn của ông Trump tiết lộ.
Theo ông Peskov, mọi kế hoạch hòa bình của ông Trump đều phải phản ánh đúng tình hình trên tiền tuyến.
"Mọi kế hoạch hòa bình mà chính quyền của ông Trump đề xuất trong tương lai cần phản ánh đúng thực tế trên tiền tuyến. Một đề xuất chỉ có giá trị nếu nó bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Tuy vậy, như Tổng thống Putin đã nói nhiều lần, Nga luôn sẵn sàng cho mọi cuộc đối thoại", ông Peskov cho biết.
Nga nêu thiệt hại của Ukraine từ đầu chiến sự. Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến ngày 25/6, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy nhiều khí tài quân sự của Ukraine, tổng cộng gồm: 613 máy bay chiến đấu; 276 trực thăng; 26.566 UAV; 533 hệ thống tên lửa đất đối không; 16.423 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép các loại; 1.348 hệ thống pháo phản lực bắn loạt; 10.856 pháo dã chiến và súng cối; và 22.924 xe cơ giới quân sự đặc biệt của Ukraine.
Riêng ngày hôm qua, 25/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lực lượng phòng không đã bắn hạ 79 UAV và 4 rocket HIMARS do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine.