Chiến sự Nga-Ukraine 24/2: Chiến sự miền đông rất khó khăn, Nga điều xe quân sự sát biên giới Ukraine
Thông tin chiến sự
Tình hình chiến sự miền nam nguy hiểm. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết tình hình quân sự một số khu vực ở miền nam khá nguy hiểm, trong khi điều kiện ở miền đông rất khó khăn. “Đối với miền nam, tình hình ở một số nơi khá nguy hiểm nhưng quân đội của chúng tôi có phương tiện để đáp trả đối phương”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết. Theo ông Zelensky, các lực lượng thân Moskva tiếp tục pháo kích thành phố Kherson ở miền nam, khiến 40.000 người bị cắt nguồn nhiệt sưởi ấm. Công việc sửa chữa ở Kherson, nơi đang bị pháo kích hàng ngày, sẽ tiếp tục cho đến khi hệ thống sưởi ấm được khôi phục. "Chúng tôi sẽ xây dựng lại. Bất kể kẻ thù có thể làm gì, chúng tôi sẽ xây dựng lại và khôi phục mọi thứ”, ông Zelensky nói. Tổng thống Ukraine cũng cho biết tình hình ở mặt trận miền đông “rất khó khăn, đau đớn”. “Nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ”, ông nói tiếp, đề cập các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Nga ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk.
Ukraine tấn công căn cứ tại Mariupol. Quân đội Ukraine tuyên bố đã tiến hành ít nhất 2 vụ tập kích nhằm vào các căn cứ của Nga tại thành phố Mariupol. Ông Petro Andriushchenko, cố vấn thị trưởng thành phố Mariupol của Ukraine tuyên bố quân đội nước này đã tiến hành tập kích các căn cứ quân sự của Nga ở gần một sân bay và một nhà máy sản xuất thép trong khu vực. “Hai căn cứ của đối phương tại gần nhà máy thép Ilyich đã bị đánh trúng. Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành những cuộc tấn công phẫu thuật nhằm tập kích chính xác căn cứ của đối phương”, ông Andriushchenko cho biết. Theo các nhân chứng tại thành phố Mariupol, ít nhất 4 vụ nổ lớn đã được nghe thấy tại khu vực này trong ngày 23/2.
Nga điều đoàn xe quân sự đặc biệt áp sát biên giới Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết một đoàn xe quân sự đặc biệt của Nga đã được ghi nhận gần khu vực biên giới gần tỉnh Chernihiv. Bộ Tư lệnh tác chiến phía Bắc Ukraine tiết lộ một đoàn xe quân sự đặc biệt của Nga đã được ghi nhận tại khu vực biên giới gần tỉnh Chernihiv của nước này. Theo những thông tin tình báo được phía Ukraine thu thập, đoàn xe quân sự trên không được sơn những ký hiệu chữ “Z” hay chữ “V” đặc trưng của lực lượng Nga tham chiến tại Ukraine. Bên cạnh đó, các binh sĩ xuất hiện gần đoàn xe này đã mặc trang phục gần giống với quân phục của quân đội Ukraine.
Một số diễn biến liên quan
Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Hôm 23/2, với 141 phiếu thuận và 7 phiếu chống, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt thù địch và yêu cầu Matxcơva rút quân khỏi Ukraine. Có 32 phiếu trắng. Động thái của Liên Hiệp Quốc diễn ra trong thời điểm đánh dấu một năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Australia áp đặt lệnh trừng phạt đối với 90 cá nhân và 40 công ty từ Nga. Theo trang web của chính phủ Australia, nước này đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 90 cá nhân và 40 pháp nhân từ Nga. Theo danh sách, các biện pháp trừng phạt có liên quan đến thành viên của Ủy ban bầu cử trung ương Nga, quân nhân, một số bộ trưởng và thống đốc, cùng những người khác. Trong số các thực thể pháp lý bị trừng phạt có tập đoàn Kalashnikov, công ty hàng không và quốc phòng Tupolev, hay đài phát thanh Sputnik.
Thủ tướng Đức gửi tín hiệu không có chiến đấu cơ cho Ukraine. Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng sẽ không hề “khôn ngoan” nếu Ukraine sử dụng vũ khí Kiev nhận được để tấn công lãnh thổ Nga. Ông khẳng định việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine hiện nay là điều “không có ý nghĩa gì cả”.
Trung Quốc nói gửi vũ khí tới Ukraine và Nga không mang tới hòa bình. Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Đới Bình, khẳng định việc gửi vũ khí tới chiến trường Nga - Ukraine không mang tới hòa bình. “Thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm tăng căng thẳng”, ông nói. Phát biểu này đáng chú ý khi Mỹ và một số nước gần đây bày tỏ lo ngại trước khả năng Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để sử dụng tại Ukraine. Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” này.
Ukraine muốn gặp Trung Quốc, lắng nghe đề xuất hòa bình. Hôm 23/2, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông chưa nghe về đề xuất hòa bình cho Ukraine từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine muốn gặp gỡ Trung Quốc để lắng nghe đề xuất này trước khi đánh giá.
EU cam kết gia tăng áp lực với Nga về Ukraine. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong một tuyên bố chung nhân 1 năm ngày bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, cam kết sẽ gia tăng áp lực lên Nga, cũng như tiếp tục hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Kiev. “EU sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, kinh tế, nhân đạo, tài chính và quân sự. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tái thiết Ukraine, trong đó chúng tôi sẽ tìm cách sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga, phù hợp với luật pháp châu Âu và quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường gây áp lực lên Nga bằng việc áp dụng gói trừng phạt mới với nước này”, thông báo cho biết.