Chiến sự Nga - Ukraine 19/5: Kiev tuyên bố giành lợi thế, kiểm soát Tây Nam Bakhmut Chiến sự Nga - Ukraine 20/5: Nga chuyển trọng tâm tấn công tên lửa, dồn binh lực áp đảo ở Bakhmut |
Theo các thông tin theo dõi chiến sự Ukraine, đặc biệt là chiến trường Bakhmut, sau khi lực lượng Wagner và Quân đội Nga kiểm soát hoàn toàn khu vực “pháo đài” kiên cố nhất tại phía Tây thị trấn, các mũi đột kích tiếp tục truy đuổi với sự hỗ trợ của pháo binh để dồn lực lượng phòng thủ Ukraine về phía bên kia đường Yuvileina.
Bakhmut cơ bản đã đổi chủ |
Với việc bị đẩy ra khỏi các khu vực nhà cao tầng kiên cố, lực lượng Ukraine chỉ còn giữ quyền kiểm soát khoảng 0,6 km2, vốn là một nông trang tập thể. Tuy nhiên, vị trí này cũng khó có thể phòng thủ được lâu vì các mũi đột kích Wagner luôn theo sát và hỏa lực trực diện của pháo binh Nga được chỉ thị từ khu vực “pháo đài” vừa chiếm lĩnh. Như vậy, Bakhmut cơ bản đã đổi chủ và tuyên bố chính thức có thể sớm được Wagner hoặc quân đội Nga tuyên bố.
Theo nhiều nguồn tin tại hiện trường, trong rạng sáng ngày 20/5, các vị trí còn lại của Ukraine tại Bakhmut đang bị pháo kích dữ dội với cả bom cháy. Đây có thể là tín hiệu của đợt tổng tấn công cuối cùng của Wagner nhằm kết thúc cuộc chiến đẫm máu đã kéo dài nhiều tháng qua tại Bakhmut.
Trong khi đó, tình hình tại 2 cánh của Bakhmut không mấy khả quan đối với Ukraine. Sau khi có nhiều đột phá tại khu vực bình nguyên trống trải, lực lượng quân đội Ukraine đã vấp phải hỏa lực mạnh mẽ từ lực lượng phòng thủ Nga tại các khu định cư đã gia cố để chuẩn bị cho đợt phản công lớn từ Kiev. Có ghi nhận giao tranh tại gần Ivanovskoye và Kleeshchevka, nhưng không có thay đổi đáng kể về khu vực kiểm soát giữa hai bên.
Ukraine có thể sẽ nhận máy bay F-16 viện trợ trong vài tháng tới |
Liên quan tới thông tin mới nhất về viện trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ và đồng minh đã thống nhất về khả năng cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu F-16 trong vài tháng tới. Tuyên bố trên đã được Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan xác nhận.
Theo đó, Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu máy bay và khi nào chúng được chuyển giao sẽ được xác định khi các nhóm phi công Ukraine tới Mỹ học chuyển loại máy bay F-16. Ông Jake Sullivan cho biết, động thái trên của Mỹ nằm trong cam kết tăng cường năng lực không quân của Ukraine vốn đã được Mỹ và phương Tây hứa từ lâu.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Ukraine cần các máy bay F-16 không phải cho đợt phản công sắp tới, mà chúng được hoạch định cho tương lai xa hơn. Mỹ và phương Tây đang viện trợ cho Ukraine vũ khí đáp ứng yêu cầu thực tế của chiến trường.
Điều này đã được lý giải tại sao Ukraine được viện trợ số lượng lớn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger khi cuộc xung đột khởi phát. Giai đoạn sau đó được đánh dấu bằng việc Kiev nhận được các tổ hợp pháo 155mm. Tiếp đó là xe tăng hạng nặng và xe chiến đấu bộ binh để chuẩn bị cho hoạt động phản công, nhưng máy bay F-16 không dùng cho kế hoạch này.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã nhiều lần hối thúc các đồng minh phương Tây về việc viện trợ máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, triển vọng cho khả năng này rất khó khăn Mỹ và phương Tây chưa thể thống nhất về các nguồn lực được huy động cho viện trợ, cũng như các ý kiến trái chiều liên quan.
Về vấn đề này, Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Yuriy Sak cho biết, Ukraine đang cần khoảng 40-50 máy bay F-16 từ phương Tây. Số lượng máy bay trên đủ để thành lập 3-4 không đoàn không quân bảo vệ không phận Ukraine.
Trước yêu cầu của Kiev, Anh và Hà Lan đã thành lập một liên minh quốc tế nhằm giải quyết việc viện trợ máy bay F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, quốc gia quan trọng là Đức tuyên bố không tham gia liên minh. Theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Vladimir Pistorius, Berlin không có khí tài Ukraine cần để tham gia vào liên minh quốc tế nói trên. Bỉ cũng có chung quan điểm với Đức, nhưng hứa sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc chuyển loại phi công.
Trước khả năng phản ứng cứng rắn của Nga, ông Jake Sullivan tuyên bố Washington đang theo sát tình hình và sẽ không đẩy xung đột trở thành Thế chiến 3. Mỹ chắc chắn sẽ không ủng hộ các hoạt động quân sự trực tiếp nhằm vào lãnh thổ truyền thống của Nga.
Về nguy cơ leo thang xung đột với Nga, lãnh đạo Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer cho biết, liên minh quân sự đang phải xây dựng lại kế hoạch phòng thủ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo lời Đô đốc Rob Bauer, NATO cần chuẩn bị trước cho mọi kịch bản và thực tế là xung đột quân sự trực tiếp với Nga có thể phát sinh bất kỳ lúc nào.