Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Phần Lan: Buộc Ukraine trung lập sẽ không dẫn đến hòa bình
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen tuyên bố bên lề Diễn đàn Hòa bình Paris rằng, buộc Ukraine giữ thái độ trung lập sẽ không dẫn đến giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
“Đây chắc chắn không phải là điều tôi sẽ áp đặt lên Ukraine. Chắc chắn không phải là giải pháp thay thế”, Reuters dẫn lời bà Valtonen nói và bà đánh giá, các vấn đề sẽ không biến mất.
“Tôi thực sự muốn tránh tình trạng bất kỳ quốc gia châu Âu nào hoặc Mỹ bắt đầu đàm phán về vấn đề Ukraine”, bà Valtonen lưu ý.
"Chìa khóa" để giải quyết xung đột ở Ukraine
Newsweek cho rằng, "chìa khóa" để giải quyết xung đột ở Ukraine là giảm khối lượng viện trợ của phương Tây.
Chiến sự Nga - Ukraine ngày qua vẫn "nóng" trên khắp mặt trận. Ảnh: RIA |
Ấn phẩm này đã thu hút sự chú ý đến cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Slovakia Robert Fico trên Đài Phát thanh và truyền hình Slovakia, trong đó, ông tuyên bố, việc cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ là "con đường dẫn đến một giải pháp”. Ông cho hay, “xung đột sẽ không kết thúc chừng nào phương Tây còn viện trợ cho Ukraine”.
Newsweek lưu ý, chính trị gia người Slovakia bày tỏ cảm xúc được thúc đẩy bởi sự thay đổi có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump. Hiện tại, Mỹ là nhà viện trợ lớn nhất của Ukraine, cung cấp phần lớn hỗ trợ trực tiếp về quân sự cũng như nhân đạo. Nhưng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã dẫn đến suy đoán Washington có thể sớm rút lại sự hỗ trợ đó.
Hé lộ thời điểm then chốt với Ukraine
Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết, khoảng 4 - 5 tháng tới sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa then chốt, cho thấy sự trở lại của ông Trump sẽ quyết định như thế nào đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
“Mùa đông năm nay là thời điểm quan trọng. Tôi hy vọng xung đột sắp kết thúc. Ngay bây giờ, chúng tôi sẽ xác định quan điểm cho cả hai bên đàm phán, vị thế khởi động đàm phán”, quan chức Ukraine nói.
Theo ông, Ukraine đang nỗ lực để có vị thế mạnh nhất trong bất cứ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Nga trong tương lai gần. Các nỗ lực này bao gồm kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ, ghìm đà tiến công của Nga.
Tuy nhiên, Ukraine cũng không quá kỳ vọng vào việc chính quyền Tổng thống Biden sẽ có hỗ trợ đột phá dành cho Ukraine, cũng như cho phép dùng vũ khí Mỹ tấn công sâu vào Nga, trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào đầu năm sau.
Thay vào đó, giới chức Ukraine đang chờ xem ông Trump chọn ai cho vị trí an ninh và quốc phòng hàng đầu của mình để có manh mối về cách ông sẽ định hình chính sách với Ukraine.
Đức tin ông Trump có thể đạt được thỏa thuận với Nga về Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đánh giá cao lời hứa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về giải quyết xung đột Ukraine trong 24 giờ, nhưng không loại trừ khả năng ông có thể đạt được thỏa thuận với Nga.
“Đúng là có mối nguy hiểm và tôi hy vọng điều đó sẽ không thành hiện thực”, ông Pistorius nói. Đồng thời cũng bày tỏ quan điểm, Ukraine nếu bị từ chối gia nhập NATO, có thể trở thành “nguồn thường trực của những xung đột mới ở châu Âu”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố cần chi hơn 2% GDP quốc gia cho quốc phòng trong thời gian tới. “2% là không đủ”, ông Pistorius nhấn mạnh.