Chiến sự Nga - Ukraine ngày 10/11: Nga tuyên bố rút quân khỏi Kherson Chiến sự Nga - Ukraine 11/11: Anh chưa ghi nhận sự rút lui của các lực lượng Nga khỏi Kherson |
Thông tin chiến sự
Ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trên hướng Kherson, vào lúc 5 giờ sáng ngày 11/11 (theo giờ địa phương), việc chuyển quân Nga sang tả ngạn sông Dnepr đã hoàn tất. Không một đơn vị quân trang và vũ khí nào bị bỏ lại ở hữu ngạn con sông này.
Lý do của việc chuyển quân là do Nga muốn hạn chế tối đa sự tổn thất nhân sự, vũ khí, trang thiết bị quân sự và vật chất. Tất cả thường dân muốn rời khỏi phần hữu ngạn của vùng Kherson đều được hỗ trợ.
Trên hướng Kupyansk, 3 nhóm chiến thuật đại đội của Lực lượng vũ trang Ukraine có cuộc tấn công bất thành khi mở cuộc tấn công từ các khu vực định cư Yagodne, Kislovka và Volodymyrivka (vùng Kharkov). Kết quả là lực lượng Ukraine đã bị đánh chặn và phải quay trở lại vị trí ban đầu. Hơn 120 quân nhân Ukraine, 2 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh, 2 xe bọc thép chở quân và 5 xe quân đội bị phá hủy.
Trên hướng Krasno-Limansky, các hoạt động tích cực và hỏa lực pháo phủ đầu của quân đội Nga đã ngăn cản cuộc tấn công của 2 đại đội bộ binh cơ giới Lực lượng vũ trang Ukraine được tăng cường bởi lính đánh thuê Ba Lan, theo hướng các khu định cư Chervonopopivka và Ploschanka (Cộng hòa Nhân dân Lugansk - LPR). Kết quả là 90 binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê thương vong, 1 xe bọc thép chiến đấu bị tiêu diệt.
Trên hướng Nam-Donetsk, nỗ lực phản công của các đại đội bộ binh cơ giới thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine theo hướng làng Sladkoe của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) đã bị chặn đứng. Pháo binh và hàng không lục quân Nga đã tiêu diệt hơn 65 quân nhân Ukraine, 1 xe tăng và 4 xe chiến đấu bọc thép tại đây.
Ukraine tiến vào Kherson sau khi Nga rút quân. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi ngày 11/11 là “ngày lịch sử” khi các lực lượng của nước này tiến vào thành phố chiến lược Kherson tại khu vực miền nam.
“Chúng ta đang lấy lại Kherson. Bây giờ, chúng ta vẫn đang phòng thủ ở các vùng ngoại ô nhưng các đơn vị đặc nhiệm đã vào trong thành phố”, ông Zelensky đăng trên Twitter cùng với một đoạn video cho thấy binh lính Ukraine ở trong Kherson.
Ông Zelensky cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đã củng cố vị trí trên tiền tuyến và bắt đầu các biện pháp bảo vệ an toàn cho Kherson. Tuy nhiên, Ukraine cáo buộc Nga gài mìn khắp khu vực Kherson.
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định việc lực lượng Nga rút đi không ảnh hưởng đến quy chế của Kherson, một trong 4 vùng sáp nhập vào Nga từ tháng 10.
“Khu vực Kherson vẫn là một phần của Nga và quy chế này là cố định và xác định về mặt pháp lý, không thể thay đổi”, người phát ngôn Dmitry Peskov nói.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/11 tuyên bố đã hoàn thành đợt rút quân khỏi thành phố Kherson. Nga cho biết tổng cộng hơn 30.000 quân nhân Nga, khoảng 5.000 vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như các tài sản, đã được rút khỏi Kherson.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết không để lại bất kỳ binh sĩ hay khí tài nào ở thành phố Kherson. Nga cũng xác nhận lực lượng quân sự nước này không chịu tổn thất nào về người hay khí tài trong quá trình rút quân.
Một số diễn biến liên quan
-Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga không thấy có dấu hiệu Kiev sẵn sàng đàm phán, do vậy chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn.
“Cuộc xung đột ở Ukraine có thể kết thúc sau khi đạt được các mục tiêu (của chiến dịch quân sự đặc biệt) hoặc bằng cách đạt được các mục tiêu tương tự thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, và điều này cũng khả thi”, ông Peskov nói hôm 11/11, đồng thời cho biết lập trường của Kiev có vẻ không thể hòa giải.
“Kiev không muốn đàm phán. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp diễn”, ông Peskov nói thêm.
- Nga áp đặt trừng phạt đối với 200 công dân Mỹ. Đặc biệt trong danh sách trừng phạt lần này của Nga có cả Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.
Ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Nga đã bổ sung thêm 200 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt, với hình thức cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên bang Nga vô thời hạn.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, để đáp trả các biện pháp trừng phạt cá nhân mà Chính quyền Mỹ liên tục áp đặt đối với các quan chức Nga, đại diện của giới kinh doanh, các nhân vật văn hóa và công dân Nga, 200 công dân Mỹ đã bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Danh sách trừng phạt bao gồm đại diện của chính quyền và các nhà lập pháp, cũng như những người thân cận của họ, người đứng đầu các công ty và xí nghiệp của các tổ hợp công nghiệp - quân sự, các chuyên gia và nhà vận động hành lang liên quan đến việc thúc đẩy chiến dịch “bài Nga” và ủng hộ chính quyền Ukraine. Đặc biệt trong danh sách trừng phạt lần này có cả Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.
-Nga và Liên Hiệp Quốc thảo luận thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Liên Hiệp Quốc cho biết các quan chức cấp cao của tổ chức này đã gặp phái đoàn của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin tại Geneva (Thụy Sĩ), để thảo luận những bức xúc của Nga về thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và việc tiếp tục xuất khẩu lương thực, phân bón.
Nga đã đình chỉ việc thực hiện và cảnh báo sẽ từ bỏ thỏa thuận, được ký riêng giữa Nga, Ukraine với Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 và dự kiến hết hạn trong vài ngày tới.
Liên Hiệp Quốc cho biết các cuộc thảo luận bao gồm việc tạo điều kiện cho xuất khẩu lương thực và phân bón từ Nga sang các thị trường toàn cầu.
“Thế giới không thể để các vấn đề về khả năng tiếp cận phân bón gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, do đó Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các bên loại bỏ mọi trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu và vận chuyển phân bón đến các quốc gia có nhu cầu nhất”, cơ quan này tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bác tin cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua thỏa thuận đạn pháo với Mỹ. Một quan chức ẩn danh Mỹ cho hay quá trình đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra và Washington muốn gửi đạn pháo 155mm mua của Seoul cho Ukraine.
Quan chức này nói rằng quỹ của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) có thể được sử dụng để mua đạn dược, nhưng vẫn chưa rõ liệu những vũ khí này có được vận chuyển qua lãnh thổ Mỹ hay không.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với Reuters rằng, quan điểm của họ về việc không cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vẫn không thay đổi và các cuộc đàm phán với Mỹ đang được tiến hành dưới danh nghĩa rằng Washington là bên sử dụng cuối cùng của lô đạn trên.
“Để bù đắp cho sự thiếu hụt kho đạn 155mm ở Mỹ, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các công ty Mỹ và Hàn Quốc về việc xuất khẩu đạn dược”, thông báo viết.