Theo cơ quan tin tức chính thống của Palestine WAFA, có ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong vụ một trường học ở Dải Gaza bị ném bom chiều 6/7. Đa số nạn nhân là trẻ em và phụ nữ, trong khi nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch khiến số người thiệt mạng có thể gia tăng.
Đây là lần thứ 3 trường Al-Jaouni bị ném bom kể từ khi xung đột bùng phát giữa Hamas và Israel tháng 10/2023. Ngôi trường nằm ở khu vực Nuseirat thuộc trung tâm Dải Gaza là nơi trú ẩn của khoảng 7.000 người sơ tán.
Dù quá trình đàm phán đang diễn ra, Israel vẫn tiếp tục các hoạt động không kích đẫm máu nhằm vào nhiều khu vực dân cư tại Dải Gaza. Ảnh: AP |
Truyền thông Israel cho biết quân đội nước này đang điều tra báo cáo về vụ việc trên.
Thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza xác định các cuộc tấn công của Gaza trong 24 giờ qua đã khiến ít nhất 29 người Palestine thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Số liệu thống kê do Liên hợp quốc công bố đầu tuần này cho thấy số người phải sơ tán tại Dải Gaza đã tăng lên 1,9 triệu người, tức khoảng 90% dân số Gaza
Liên quan tới khả năng giải quyết cuộc xung đột, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel, David Banea đã hội đàm với các nhà hòa giải ở thủ đô Doha Qatar, trong nỗ lực mới nhất nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và trao trả các con tin. Sau cuộc hội đàm, phái đoàn Israel đã rời đi nhưng chưa có tuyên bố công khai nào được đưa ra.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Israel với các nhà hòa giải tại Doha. Dự kiến trong tuần tới, phái đoàn sẽ quay lại Qatar để tiếp tục các cuộc đàm phán vì vẫn còn những khoảng cách giữa các bên. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao Mỹ, Israel và Hamas đang có cơ hội quan trọng” để đạt được thỏa thuận. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, Israel đồng ý xem xét các điều kiện mà Hamas đưa ra.
Một quan chức Palestine có liên quan tới các nỗ lực hòa bình do quốc tế làm trung gian cho biết, đề xuất mới nhất của Hamas có thể dẫn đến một thỏa thuận khung nếu được Israel chấp nhận. Cũng đó, Hamas không còn yêu cầu điều kiện tiên quyết là Israel phải cam kết ngừng bắn vĩnh viễn trước khi ký thỏa thuận, và sẽ cho phép các cuộc đàm phán đạt được điều đó trong suốt giai đoạn 6 tuần đầu tiên.
Phản ứng trước diễn biến tích cực này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông hi vọng "lệnh ngừng bắn cuối cùng" có thể được đảm bảo "trong vài ngày tới".
Nhà lãnh đạo này đồng thời kêu gọi các nước phương Tây gây sức ép để buộc các bên chấp nhận những điều khoản được đưa ra. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hoan nghênh quyết định của ông Benjamin Netanyahu về việc nối lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ nhằm nỗ lực hoàn tất thoả thuận.
Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết: "Chúng ta đau buồn trước những hình ảnh từ Gaza trong nhiều tháng qua. Tất cả chúng ta đều muốn thấy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tôi sẽ làm mọi cách có thể về mặt ngoại giao để ủng hộ nỗ lực nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn đó. Chúng tôi cũng muốn các con tin được thả ra và chúng tôi muốn viện trợ không bị cản trở được đưa vào Gaza”.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực gia tăng cả ở trong và ngoài nước. Một số đối tác cực hữu trong liên minh cầm quyền của ông đã đề cập khả năng rời khỏi chính phủ do bất đồng về cách thức kết thúc cuộc xung đột tại Dải Gaza. Điều này nếu xảy ra có thể sẽ chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng của ông Benjamin Netanyahu.
Cuộc xung đột kéo dài suốt 9 tháng qua giữa Israel và Hamas đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp Dải Gaza và làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, gây ra các cuộc đấu súng thường xuyên qua biên giới phía Bắc giữa Israel với lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và một quan chức cấp cao của Hamas đã gặp nhau để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza. Hezbollah sau đó cho biết, nhóm này sẽ ngừng bắn ngay khi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Dải Gaza có hiệu lực.