Cổng thông tin Ynet đăng tải, Israel tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ và giảm nhẹ các yêu cầu đối với phong trào Hamas về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Cụ thể, Israel đồng ý thả tự do cho 40 tù nhân Palestine, gồm phụ nữ, người già và người bệnh thay vì 33 người như thỏa thuận ban đầu. Đổi lại, Tel Aviv yêu cầu cắt ngắn thời gian ngừng bắn với Hamas.
Cuộc chiến bế tắc và sức ép từ trong nước và cộng đồng quốc tế đã buộc Israel phải nhượng bộ. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Hamas tuyên bố sẽ hạ vũ khí nếu Palestine trở thành một nhà nước. Điều này đã được tuyên bố bởi một thành viên phe cánh chính trị của Hamas, Khalil al-Hayya, trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press (AP).
“Một quan chức chính trị cấp cao của Hamas cho biết, nhóm chiến binh này sẵn sàng đồng ý đình chiến với Israel từ 5 năm trở lên và họ sẽ hạ vũ khí và trở thành một đảng phái chính trị nếu Nhà nước Palestine độc lập được thành lập trong phạm vi biên giới trước năm 1967”, Hãng tin AP đăng tải.
Tuy nhiên, ông Khalil al-Hayya không trả lời câu hỏi liệu sự công nhận chính thức đối với Nhà nước Palestine có đồng nghĩa với việc sẵn sàng ngừng bắn ngay lập tức và từ bỏ tuyên bố hủy diệt Israel hay không. Ông Khalil al-Hayya nhấn mạnh, nếu Hamas bị đánh bại, các nhóm Hồi giáo mới có thể nổi lên sẽ tấn công Tel Aviv.
Trước đó, lãnh đạo phe cánh ôn hóa của Hamas, Ismail Haniyeh tuyên bố Hamas muốn coi Nga là trung gian bảo đảm an ninh cho Dải Gaza.
Liên quan tới ý định chuẩn bị chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah của Israel, phong trào Hamas tuyên bố Israel sẽ không đạt mục tiêu đánh bại nhóm vũ trang và giải cứu con tin ở Rafah dù Tel Aviv tuyên bố "giáng đòn đau đớn" cho phong trào này.
"Ngay cả khi Israel tiến quân đánh Rafah, họ cũng sẽ không đạt được những gì mình muốn", ông Ghazi Hamad, quan chức cấp cao Hamas, trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Qatar.
Quan chức Hamas thêm rằng Israel đã trải qua gần 7 tháng chiến đấu ở Dải Gaza và đang tàn phá dải đất này, nhưng đến nay chưa thể đạt bất kỳ mục tiêu chính nào, dù là loại bỏ Hamas hay giải thoát những người bị bắt cóc.
Israel trước đó cam kết tiến hành chiến dịch ở Rafah, bất chấp phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế và nhiều đồng minh, cùng những lo ngại về số phận của khoảng 1,5 triệu người Palestine đang chạy nạn trong thành phố.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 21/4 tuyên bố Tel Aviv sẽ tăng áp lực quân sự với Hamas để giải cứu khoảng 130 con tin còn lại ở Gaza, đồng thời khiến Hamas phải chịu thêm "những đòn giáng đau đớn".
Hamas cảnh báo hành động tấn công vào Rafah của Israel sẽ thổi bùng lên ngọn lửa xung đột mới. Ảnh: Reuters |
Phát ngôn viên Chính phủ Israel David Mencer cho biết, nội các chiến tranh đã nhóm họp ngày 25/4 để "thảo luận về cách vô hiệu hóa các tiểu đoàn cuối cùng Hamas". Mencer một ngày trước thông báo quân đội nước này đã tiêu diệt "ít nhất 18 hoặc 19 trong số 24 tiểu đoàn của Hamas" từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza.
"Chúng tôi đã nói chuyện với tất cả bên liên quan trong cuộc xung đột về mức độ nghiêm trọng của việc tấn công Rafah, cũng như Israel đang tiến tới mục tiêu thực hiện thêm các vụ thảm sát và diệt chủng. Điều này chắc chắn sẽ đe dọa nỗ lực đàm phán vì rõ ràng Israel cho thấy họ chỉ quan tâm tiếp tục chiến tranh và không có ý định đạt thỏa thuận", ông Ghazi Hamad nói.
Qatar, Mỹ và Ai Cập đã làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas với hy vọng hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Tuy nhiên, đàm phán đang bị đình trệ suốt nhiều ngày qua. Truyền thông Israel đưa tin một phái đoàn Ai Cập dự kiến tới nước này để khởi động vòng đàm phán mới.
Hamas hiện cáo buộc Thủ tướng Israel đang cố tình "thao túng và trì hoãn" nhằm đánh lừa công chúng Israel cùng cộng đồng quốc tế rằng Tel Aviv đang tích cực đàm phán hòa bình. Lãnh đạo Israel đang cố "bóp méo sự thật" khi tuyên bố Hamas là trở ngại đàm phán.
Ông cho biết Hamas đã lên kế hoạch hậu xung đột cho Dải Gaza và đang nỗ lực làm việc để đảm bảo xây dựng lại khu vực, cung cấp nhu cầu cần thiết cho người dân có cuộc sống tốt hơn.