Theo thông tin ngoại giao từ khu vực Trung Đông, Các nhóm vũ trang dòng Hồi giáo Shitte tại Iraq và các nước Trung Đông gửi thông điệp sẵn sàng đến Lebanon hỗ trợ Hezbollah nếu chiến tranh tổng lực nổ ra với Israel.
Căng thẳng ở biên giới phía bắc Israel tăng nhiệt trong những ngày qua, khi quân đội Israel tuần trước tuyên bố kế hoạch tấn công Lebanon đã được phê duyệt. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đe dọa không có nơi nào ở Israel an toàn trong trường hợp hai bên xảy ra chiến tranh tổng lực.
Hezbollah đang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột quân sự trực tiếp với Israel. Ảnh: Getty |
"Chúng tôi sẽ chiến đấu kề vai sát cánh cùng Hezbollah", thành viên cấp cao một nhóm dân quân tại thủ đô Baghdad, Iraq khẳng định.
Chiến binh Hồi giáo này tiết lộ với hãng tin AP rằng, một số thành viên của nhóm đã được triển khai đến Lebanon nhưng được giới hạn ở vai trò cố vấn. Tuy nhiên, khi cần thiết lực lượng tại Iraq sẵn sàng hỗ trợ Hezbollah khi Israel đưa quân vào Lebanon, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết kế hoạch hành động.
Theo thành viên cấp cao một nhóm dân quân khác tại Lebanon, loạt nhóm vũ trang Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMF), Fatimiyoun tại Afghanistan, Zeinabiyoun tại Pakistan và Houthis tại Yemen tuyên bố sẵn sàng cử các chiến binh đến Lebanon nếu xung đột nổ ra.
Nhiều nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shitte đã hoạt động từ lâu trên lãnh thổ Syria, hỗ trợ quân chính phủ chống lại phiến quân và giành lại lãnh thổ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo giới nghiên cứu địa chính trị, các nhóm có thể nhanh chóng vượt qua biên giới Syria - Lebanon, vốn có nhiều khu vực không được kiểm soát chặt chẽ, và nhanh chóng tăng viện cho Hezbollah nếu cần thiết.
Hôm 19/6, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết các nhóm vũ trang từ Iran, Iraq, Syria, Yemen và nhiều nước khác ở Trung Đông từng gợi ý điều hàng chục nghìn quân đến hỗ trợ Hezbollah, nhưng nhóm này chưa cần đến giúp đỡ vì đã có 100.000 thành viên.
Ông lưu ý trạng thái đối đầu hiện nay giữa Hezbollah và Israel, tập trung ở khu vực biên giới, chủ yếu huy động các lực lượng rocket, tên lửa và UAV nên họ chưa gặp thách thức về quân số. "Tôi đã cảm ơn lãnh đạo các nhóm, nhưng giải thích rằng chúng tôi còn đang thừa người", Hassan Nasrallah nói.
Tuy nhiên, quan điểm của Hezbollah có thể thay đổi khi nổ ra chiến tranh tổng lực với Israel. Trong phát biểu vào năm 2017, thủ lĩnh Hezbollah từng khẳng định các tay súng từ Iran, Iraq, Yemen, Afghanistan và Pakistan sẵn sàng tham chiến khi cần.
Qassim Qassir, nhà phân tích chính trị Lebanon chuyên về Hezbollah, cho rằng tổ chức này sẽ cần đến hỗ trợ từ các đồng minh trong khu vực nếu những cuộc tập kích trả đũa qua lại như hơn nửa năm qua leo thang thành chiến tranh toàn diện và kéo dài. "Các lực lượng thuộc Trục Kháng chiến đã xây dựng được 'ngôn ngữ quân sự chung' và có thể hợp lực hiệu quả", ông nhận định.
Charles Lister, giám đốc chương trình nghiên cứu Syria thuộc Viện Trung Đông (MEI) tại Washington, lo ngại đối đầu Hezbollah và Israel đang như thùng thuốc súng mới trong khu vực Cận Đông.
Ông nhận định những ranh giới hai lực lượng ngầm vạch ra trong các vụ tập kích qua lại đã dần bị xóa nhòa một cách có hệ thống, khi cả Israel và Hezbollah dần mở rộng phạm vi tập kích, điều chỉnh chiến thuật, thay đổi loại vũ khí sử dụng và tầm quan trọng của mục tiêu.
Lần gần đây nhất Israel tấn công miền nam Lebanon là vào năm 2006, sau khi Hezbollah bắt hai binh sĩ nước này. Cuộc chiến kéo dài 34 ngày đã khiến khoảng 1.200 người Lebanon và hơn 140 người Israel thiệt mạng, tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng dân sự Lebanon trong đó có sân bay Beirut. Tuy nhiên, chiến dịch không gây thiệt hại đáng kể cho Hezbollah. Ngược lại, vị thế của tổ chức này được củng cố vì Israel chấp nhận rút quân. Cuối cùng, tất cả những gì Tel Aviv đạt được là Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc về thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên. Xung đột giữa hai bên gần đây một lần nữa bùng phát khi Hezbollah ủng hộ Hamas và phong trào chiến đấu tại Dải Gaza.