Ngày 30/6, Chính quyền Palestine đã phản đối bất kỳ sự hiện diện có yếu tố nước ngoài nào trên các vùng lãnh thổ của Palestine. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Israel kêu gọi chuyển giao Dải Gaza cho các lực lượng quốc tế.
Theo hãng thông tấn chính thức WAFA, người phát ngôn Phủ Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh khẳng định bất kỳ sự hiện diện nào của nước ngoài trên vùng đất Palestine đều không hợp pháp và chỉ người dân Palestine mới có quyền quyết định ai có thể điều hành và quản lý các công việc của họ.
Xung đột xuyên biên giới giữa Israel và phong trào Hezbollah đang tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: AP |
Người phát ngôn Rudeineh cũng nhấn mạnh, Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine, là tổ chức "có thẩm quyền pháp lý đối với toàn bộ lãnh thổ của Palestine bao gồm Dải Gaza, Bờ Tây và Jerusalem". Vấn đề Palestine không chỉ liên quan tới viện trợ nhân đạo mà còn đến lãnh thổ và tư cách nhà nước.
Trước đó, ngày 28/6, đài phát thanh Kan của Israel đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant đã thảo luận kế hoạch giai đoạn chuyển tiếp đối với Dải Gaza trong chuyến thăm Mỹ nhiều ngày trước, với giả định rằng khả năng quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas đã suy giảm và không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn.
Theo đó, các lực lượng quốc tế (có thể bao gồm binh sĩ từ Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Maroc) sẽ giám sát an ninh ở Gaza trong khi phía Mỹ sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo và logistics từ bên ngoài vùng lãnh thổ này, có thể là tại Ai Cập. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ phía Bắc xuống Nam Dải Gaza nhằm dần chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lực lượng Palestine.
Cùng ngày, theo kênh truyền hình Al-Qahera News TV, Ai Cập vừa bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã chấp thuận di dời cửa khẩu Rafah giáp với Dải Gaza hoặc xây dựng một lối đi mới gần cửa khẩu Kerem Shalom của Israel.
Dẫn một nguồn tin an ninh cấp cao, kênh Al-Qahera News TV cho biết không có cuộc thảo luận nào của Ai Cập liên quan việc di dời cửa khẩu Rafah hay việc giám sát của Israel đối với khu vực này. Nguồn tin còn nhấn mạnh tới sự tuân thủ của Ai Cập đối với việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi cửa khẩu Rafah bên phần lãnh thổ Palestine, đồng thời cho biết Ai Cập từ chối cử bất kỳ lực lượng nào của nước này vào Dải Gaza.
Từ ngày 7/5, quân đội Israel tuyên bố áp đặt quyền kiểm soát "hoạt động" đối với cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, dẫn đến việc ngừng chuyển hàng viện trợ từ Ai Cập vào Gaza thông qua cửa khẩu này.
Theo số liệu cập nhật của cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel ngày 7/10/2023 cho đến nay, đã có tới 37.877 người Palestine thiệt mạng và 86.969 người bị thương.
Liên quan tới cuộc xung đột, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo, 18 binh sĩ nước này bị thương, trong đó có một người bị thương nặng trong vụ tấn công bằng UAV ở cao nguyên Golan hôm 30/6.
Theo tuyên bố của IDF, vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm cùng ngày ở phía Bắc cao nguyên Golan và hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của thiết bị bay này. Không quân Israel cũng đã tiến hành các cuộc tấn công vào đêm 30/6 nhằm vào các vị trí của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở phía Nam Lebanon bao gồm một trạm quan sát và một bệ phóng tên lửa từng được sử dụng để phóng tên lửa sang phía Bắc Israel. Ngoài ra, lực lượng pháo binh của IDF cũng đã tấn công nhiều vị trí của lực lượng trên.
Trước đó, ngày 29/6, quân đội Israel thông báo đã ném bom vào một tòa nhà quân sự của Hezbollah ở làng Hula, miền Nam Lebanon, sau khi phát hiện các thành viên có vũ trang của nhóm này xuất hiện tại đây.
Tình trạng leo thang căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực. Các hoạt động pháo kích lẫn nhau giữa hai bên đã gia tăng đột biến trong nhiều tháng qua.