Hãng thông tấn TASS đăng tải, đại diện thường trực của Israel tại Liên hợp quốc, Gilad Erdan đã lên tiếng yêu cầu tổ chức quốc tế này cần có mặt tại Tòa án Công lý quốc tế tại La Haye vì tội đồng lõa với tội ác của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas.
“Liên hợp quốc nên ngồi tại phiên tòa ở The Hague vì tội nhắm mắt làm ngơ, đồng lõa trong việc Hamas xây dựng đường hầm khủng bố ở Dải Gaza và sử dụng hỗ trợ quốc tế để sản xuất tên lửa”. Ông Gilad Erdan cho biết vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel chứng tỏ rằng Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan đã “trở thành vũ khí trong tay các tổ chức cực đoan”.
Dù cường độ chiến sự tại Dải Gaza đã giảm nhưng Israel vẫn duy trì lực lượng đáng kể tại dải đất này. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Israel Eilon Levy cho rằng Nam Phi đóng vai trò là "bộ phận pháp lý" của Hamas và biện minh cho hoạt động của tổ chức này tại Tòa án Công lý quốc tế ở The Hague.
Trước đó, Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế, cho rằng hành động của Tel Aviv ở Dải Gaza cấu thành tội diệt chủng.
Trong khi đó, Israel đạt thỏa thuận với Qatar để hỗ trợ thuốc men cho con tin đang bị Hamas giam tại Dải Gaza. Thỏa thuận "sẽ cho phép chuyển thuốc men cho các con tin bị Hamas ở Dải Gaza giam giữ" và sẽ diễn ra trong vài ngày tới, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo.
Qatar là trung gian đàm phán truyền thống giữa Hamas và Israel. Nước này giữ vai trò quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày ở Dải Gaza vào tháng 11/2023 để Hamas và Israel trao đổi con tin - tù nhân. Tiếng nói của Qatar có trọng lượng với Hamas, khi các thủ lĩnh tổ chức này dời cơ quan chính trị từ Syria đến Doha năm 2012. Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và cựu lãnh đạo Khaled Mashaal đều ở Qatar.
Theo một quan chức ngoại giao Israel, chuyến đi tới Qatar ngày 6/1 của gia đình các con tin Israel giúp đẩy nhanh quá trình cung cấp nhu yếu phẩm cho những con tin đang bị Hamas giam giữ.
"Cả Hamas và Israel đều hoan nghênh ý tưởng chuyển thuốc men cho con tin. Các bên đang thảo luận về khía cạnh hậu cần của thỏa thuận. Hai bên đang tham gia nhiều cuộc thảo luận với các tổ chức phi chính phủ quốc tế để chuyển thuốc càng sớm càng tốt", giới chức Israel cho biết.
Một nguồn tin thân cận với Hamas xác nhận các bên đã đối thoại về biện pháp hỗ trợ con tin, song từ chối thông báo tiến độ đàm phán.
Diễn đàn Gia đình Con tin và Người mất tích, tổ chức đại diện thân nhân các con tin Israel sau vụ tấn công tháng 10/2023, thông báo sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng hình ảnh cho thấy thuốc đã đến được tay con tin.
"Sau 98 ngày sống trong địa đạo của Hamas, tất cả con tin đang đối mặt nguy hiểm tới tính mạng và cần thuốc men duy trì sự sống. Ngoài thuốc men, họ còn cần chăm sóc y tế chuyên sâu", tổ chức này nhấn mạnh.
Một số con tin là người cao tuổi và mắc các bệnh mạn tính, cần dùng thuốc hàng ngày. Gia đình họ đã kêu gọi Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tới thăm các con tin để giao thuốc và kiểm tra tình trạng của họ. Tuy nhiên, Hội Chữ thập đỏ cho biết Hamas từ chối cho họ tiếp cận các con tin.
Israel vẫn đang nỗ lực giải cứu các con tin thông qua các kênh ngoại giao trung gian có liên hệ với Hamas. Ảnh: AP. |
Theo thống kê của Israel, Hamas bắt giữ khoảng 240 con tin trong vụ tấn công hồi đầu tháng 10/2023. Sau các đợt trao đổi con tin, Israel nhận định Hamas còn giữ hơn 100 người tại Dải Gaza, tình trạng sức khỏe của họ chưa được xác minh.
Trong rạng sáng ngày 13/1, nguồn tin tại Yemen cho biết, Mỹ và Anh tiếp tục các hoạt động tấn công nhằm vào Thủ đô Sanaa. Các cuộc không kích nhằm vào khu vực phía bắc thành phố với mục tiêu chính là căn cứ không quân Ad-Dleimi.
Sau đó, chính quyền Mỹ đã xác nhận liên quân vừa tổ chức một cuộc tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của phong trào Houthis ở Yemen. Trước đó, hôm 12/1, liên quân do Mỹ đứng đầu đã khởi động các đợt không kích nhằm vào hơn 60 mục tiêu là căn cứ của phong trào Houthis tại Yemen. Sau vụ tập kích, lãnh đạo Houthis thề sẽ trả đũa tương xứng.