Trong tuyên bố mới nhất, Hamas tuyên bố một số điều khoản trong đề xuất ngừng bắn ở Dải Gaza do Mỹ công bố cần phải sửa đổi.
Binh sĩ Israel tham gia hoạt động quân sự ở Dải Gaza. Ảnh: AP |
Nhóm vũ trang Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) và Hamas ngày 11/6 ra tuyên bố chung về việc chuyển phản hồi về đề xuất ngừng bắn ở Dải Gaza cho các quốc gia trung gian hòa giải là Qatar và Ai Cập. Hai phong trào Hồi giáo vũ trang Palestine nhấn mạnh sẵn sàng hành động tích cực để đạt thỏa thuận với ưu tiên là chấm dứt hoàn toàn giao tranh tại dải đất.
Phát ngôn viên Hamas, Jihad Taha tuyên bố, phản hồi của phong trào này bao gồm các sửa đổi để xác nhận việc ngừng bắn, rút quân, tái thiết Gaza và trao đổi tù nhân. Một quan chức cấp cao của Hamas, Osama Hamdan khẳng định, phong trào này đã gửi một số nhận xét về đề xuất cho các bên trung gian, nhưng không tiết lộ thêm thông tin.
Mỹ, Qatar, Ai Cập xác nhận Hamas đã chuyển phản hồi về đề xuất hòa bình cho Cairo và Doha. Các nước này đang xem xét các phương án tiếp tục đàm phán đề tìm tiếng nói chung giữa hai bên.
Một quan chức Israel giấu tên tiết lộ Tel Aviv đã nhận được văn bản của Hamas từ các bên trung gian và phát hiện lực lượng này đã thay đổi tất cả các điều khoản chính và có ý nghĩa nhất trong dự thảo thỏa thuận.
“Hamas đã từ chối đề xuất trả tự do cho các con tin do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố", quan chức Israel cho biết. Nhiều nguồn tin khác cho biết, Hamas đề xuất mốc thời gian mới cho việc thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân đội Israel khỏi Dải Gaza, bao gồm thành phố cực Nam Rafah.
"Hamas và các phe phái ở Palestine đã đưa ra phản hồi tích cực, có trách nhiệm và nghiêm túc đối với đề xuất ngừng bắn. Phản ứng này phù hợp với các yêu cầu của người dân và phong trào kháng chiến, giúp mở đường cho việc đạt được thỏa thuận", Izzat al-Rishq, thành viên cấp cao của văn phòng chính trị Hamas tuyên bố. Ông này cũng cáo buộc truyền thông Israel đang kích động phản ứng của Hamas nhằm giúp Tel Aviv tránh phải thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận.
Đề xuất ngừng bắn của Mỹ tại Dải Gaza có nguy cơ đổ vỡ khi Hamas muốn sửa đổi các điều khoản liên quan. Ảnh: Getty |
Các phản ứng mới nhất của Israel và Hamas làm dấy lên hoài nghi về triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 công bố đề xuất ngừng bắn gồm 3 giai đoạn tại Dải Gaza. Giai đoạn một sẽ kéo dài 6 tuần, bao gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn và việc quân đội Israel rút khỏi tất cả các khu vực có dân cư ở Gaza.
Trong giai đoạn này, một số con tin bị Hamas giữ, gồm người già và phụ nữ, sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine ở Israel. Người dân Gaza sơ tán sẽ được trở về nhà và Israel sẽ cho phép 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào dải đất mỗi ngày. Lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn trong quá trình Tel Aviv và Hamas đàm phán về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Trong giai đoạn thứ hai, Israel và Hamas sẽ chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Mọi con tin còn sống ở Dải Gaza sẽ được trả tự do và quân đội Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ.
Ở giai đoạn thứ ba, các bên sẽ khởi động kế hoạch tái thiết quy mô lớn tại Dải Gaza, trong đó các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ đảm bảo Hamas không thể tái vũ trang. Những thi thể con tin thiệt mạng tại dải đất sẽ được trao trả về cho gia đình.
Tổng thống Mỹ thông báo, đề xuất này do Israel đưa ra, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã công khai phản bác một số khía cạnh chính của đề xuất. Nhà lãnh đạo Israel cho biết phía Mỹ đã bỏ qua một số điều khoản của Tel Aviv.
Chính phủ chiến tranh của ông Benjamin Netanyahu đang gặp khó khăn khi các đồng minh trong liên minh cực hữu đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn và đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu ông chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza mà chưa tiêu diệt hoàn toàn Hamas.
Trái ngược lại, dư luận Israel đang gia tăng sức ép với Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận để có thể đưa các con tin về nhà. Hàng nghìn người dân Israel, bao gồm thân nhân các con tin, đã tổ chức biểu tình để thể hiện ủng hộ với đề xuất do Tổng thống Mỹ công bố.