Tuy nhiên, Israel hiện tại chưa có bất cứ hồi đáp nào trước thông tin trên. Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine ở Bờ Tây ngày 30/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hối thúc gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời đang được thực hiện. Ông Antony Blinken nêu rõ Washington muốn lệnh ngừng bắn kéo dài 8 ngày hoặc lâu hơn nữa.
Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi các bên kéo dài lệnh ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza. Ảnh: AP. |
Cụ thể, Israel cần phải thực thi các kế hoạch bảo vệ dân thường để giảm thiểu thương vong cho người dân Palestine, trong đó có việc thiết lập các khu vực, địa điểm ở miền Nam và miền Trung Dải Gaza để người dân có nơi trú ẩn an toàn.
Nguồn tin giấu tên cũng cho biết các nhà trung gian đang nỗ lực để kéo dài thỏa thuận ngừng bắn thêm một ngày, làm bước đệm xúc tiến đàm phán để lệnh ngừng bắn tiếp tục được kéo dài. Kể từ khi thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ngày 24/11, có tổng cộng 110 con tin trong đó có 80 con tin Israel và 240 tù nhân Palestine được trả tự do.
Trong khi đó, sáng 30/11, một vụ tấn công đã xảy ra tại trạm xe buýt ở lối vào Jerusalem. Theo Bộ Ngoại giao Israel, vụ tấn công làm 3 nạn nhân thiệt mạng và 6 người bị thương. Hamas đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Liên quan tới cuộc xung đột, Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 30/11 tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận những người Palestine bị thương từ dải Gaza để điều trị.
Ông Saied đã đưa ra quyết định này trong cuộc gặp với Bộ trưởng Y tế Ali Mrabet, Bộ trưởng - Cố vấn của Tổng thống Tunisia Mustapha Ferjani và Chủ tịch Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Tunisia (CRT) Abdellatif Chabou.
Cuộc họp tập trung vào các biện pháp sẽ được thực hiện để đón nhận người Palestine. Tunisia đã triển khai 2 chuyến bay đến sân bay Al-Arish của Ai Cập chở theo hàng viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Dải Gaza, bao gồm thiết bị y tế, thuốc men, bữa ăn chế biến sẵn, xe lăn, chăn cũng như thực phẩm.
Theo The Wall Street Journal, Mỹ đang gây áp lực tới Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng quan hệ thương mại với Nga và ngừng hỗ trợ phong trào Hamas của người Palestine.
“Người đứng đầu bộ phận trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo các đại diện Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này đang góp phần gây ra bạo lực ở hai châu lục, vì nước này đóng vai trò là thiên đường tài chính cho Hamas và là trung tâm thương mại cho bộ máy quân sự Nga”, The Wall Street Journal đăng tải.
Hamas tuyên bố vụ tấn công tại Jerusalem nhằm trả đũa hành động quân sự Israel đang thực hiện nhằm vào thường dân Palestine. Ảnh: Globallookpress. |
Ấn phẩm cũng lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể kim ngạch thương mại với Nga trong năm qua. Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nguồn cung cấp hàng điện tử và hàng tiêu dùng, đồng thời các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng để phục vụ các tàu chở dầu của Nga.
Ngoài ra, The Wall Street Journal còn viết về hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ của các công ty có quan hệ kinh doanh với Hamas đang tạo ra phản ứng tiêu cực ở Mỹ.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã tăng cường kiểm soát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga và chỉ ra các mối đe dọa chống lại các công ty Thổ Nhĩ Kỳ giúp lách luật hoặc chỉ bị nghi ngờ thực hiện các hoạt động như vậy.