Ngay từ năm 2004, dựa trên căn cứ kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, định hướng đến 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến năm 2020.
Đánh giá về kết quả thực hiện chiến lược và quy hoạch ngành điện lần thứ nhất nói trên, ông Hoàng Tiến Dũng- Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương - cho biết, về cơ bản đã đạt hầu hết các mục tiêu đề ra như nguồn điện, lưới điện, điện nông thôn miền núi, thị trường điện... Tuy nhiên trong chiến lược lần thứ nhất vẫn còn một số tồn tại như khó huy động vốn, thiếu chắc chắn trong cung cấp nguồn nhiên liệu cho phát điện, một số dự án nguồn điện chậm tiến độ, năng suất lao động của ngành điện còn thấp, sản xuất thiết bị điện trong nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...
Theo tính toán của Viện Năng lượng, nhu cầu phát triển ngành điện giai đoạn 2015 - 2026 có xét đến 2035, tổng công suất nguồn vào năm 2025 cần đạt 84.500 MW, năm 2035 cần đạt gần 150.000 MW, tương ứng với sản lượng điện sản xuất gần 400 - 760 tỷ Kwh. Đây là một trong những thách thức không hề nhỏ đối với ngành điện Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc xây dựng chiến lược ngành điện là điều cần thiết và quan trọng nhưng cần xác định xem thách thức, mục tiêu chiến lược của 10 - 20 năm tới là gì trên cơ sở đó mới đưa ra các giải pháp thực hiện sao cho đạt được mục tiêu hiệu quả. Thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế tăng trưởng cao trên 10%/năm; nguồn năng lượng sơ cấp thiếu; hệ thống điện lớn nhưng còn yếu; sức ép về môi trường đối với phát triển ngành điện, nhất là với nhiệt điện than. Một thách thức nữa là thực tế Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình, trong khi đó nguồn lực cho phát triển điện còn hạn chế.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Cần thống nhất quan điểm là ngành điện phải đi trước một bước, đáp ứng đủ cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó cần huy động tất cả các nguồn lực trong xã hội trong việc phát triển hệ thống điện nhưng nhà nước vẫn giữ quyền quản lý hệ thống truyền tải. |
“Dựa trên những thành quả thực tiễn, thách thức của tương lai cần xác định mục tiêu chiến lược và mục tiêu cụ thể cho ngành điện. Theo đó, đặc biệt lưu ý đến các vấn đề: bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về điện một cách an toàn, chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển ngành với cơ cấu hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu; phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác quốc tế”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh các giải pháp về tổ chức, cơ chế, đầu tư, tài chính, thị trường, nâng cao năng suất lao động... thì một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả của việc sử dụng điện để tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội trong tất cả các lĩnh vực như điện trong tòa nhà, điện sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, điện tiêu dùng...
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, gợi ý của các đơn vị, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Năng lượng chỉ đạo Viện Năng lượng bổ sung và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035, lấy ý kiến bộ, ban, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.