Giải cứu cá voi nặng hơn 300kg bị mắc cạn tại Quảng Ngãi Cặp cá voi dài khoảng 15m bơi lội trên biển Vũng Rô Cận cảnh dự án bị rao bán với giá nghìn tỷ ở vịnh Nha Trang |
Viện Hải Dương học là điểm đến nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), nằm trên đường Trần Phú. Được thành lập năm 1923, đây là cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ trên 20.000 mẫu vật với khoảng hơn 4.000 loài sinh vật được thu thập gần 100 năm qua.
Đặc biệt, Viện Hải Dương học đang lưu trữ mẫu vật bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng gần 10 tấn.
Bộ xương cá voi được phát hiện vào năm 1994 tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (tỉnh Nam Định ngày nay) khi đào kênh thủy lợi.
Bộ xương bị vùi sâu dưới ruộng 1,2m và cách biển 4km theo đường chim bay, tuổi thọ ước tính hơn 200 năm.
Lúc được phát hiện, bộ xương bị vùi dưới đất trong tình trạng hỗn độn, nhiều mảnh xương bị mục. Cán bộ của Viện Hải Dương học phải mất hơn một tuần mới vận chuyển bộ xương về đơn vị, sau đó phối hợp cùng các nhà khoa học, họa sĩ phác họa bộ xương, lên phương án phục chế.
Sau 6 tháng phục chế, bộ xương cá voi đã hoàn chỉnh, đưa vào trưng bày tại bảo tàng Viện Hải dương học. Đây là bộ xương cá voi đầu tiên tại Việt Nam được trưng bày theo kiểu nguyên hình dạng.
Bộ xương cá voi lưng gù được trưng bày tại Khu trưng bày mẫu vật lớn, ngay khuôn viên phía trước của Viện Hải Dương học. Ngươi dân và du khách khi bước vào sẽ thấy được bộ xương cá voi này.
Để bảo tồn, duy trì mẫu vật, nhân viên của Viện thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, nhắc nhở du khách không sờ vào hiện vật.
Viện cũng ghi chú thông tin về lịch sử, giới thiệu bộ xương cá để người dân tiếp cận thông tin.
Các đốt sống, bộ phận đầu và miệng của cá voi lưng gù được lưu giữ, bảo tồn, dùng khung để cố định.
Bảo tàng Viện Hải dương học mở cửa phục vụ du khách từ 6 giờ -18 giờ tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày lễ và Tết.
Mỗi ngày, Viện đón rất nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Tại Khu trưng bày mẫu vật lớn, ngoài xương cá voi lưng gù, Viện cũng trưng bày các mẫu vật khác gồm: Hải cẩu đốm; Bò biển; Cá giống mõm nhọn; Hàm răng cá mập; Cá tầm Trung Hoa.
Bảo tàng Viện Hải Dương học cũng đang trưng bày hàng chục nghìn mẫu tiêu bản sinh vật biển, được du khách ví như ‘thiên đường đại dương’ với các loài sinh vật biển rộng lớn và đa dạng, giúp cho du khách hiểu thêm phần nào về tài nguyên và sinh thái biển đảo Việt Nam.