Cũng giống như nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, người Ba Na rất kiêng sống độc thân, cho nên, trai khôn lấy vợ, gái lớn lấy chồng. Xây dựng gia đình không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm bắt buộc đối với các thành viên trong cộng đồng. Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người Ba Na chưa hẳn là sắc đẹp, cũng không phải là giàu nghèo hay môn đăng hộ đối mà phẩm chất không thể thiếu được của người vùng cao, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn, lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải.
|
Trai gái người Ba Na được tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu |
Trai gái người Ba Na được tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu thương, khi đã thật sự yêu thương nhau họ quyết định tiến tới hôn nhân làm lễ cưới, đôi trai gái sẽ về thưa với gia đình hai bên. Hai bên gia đình chấp thuận hôn lễ, nhà trai sẽ tìm người mai mối. Người làm mai mối phải là đàn ông, có uy tín, am hiểu luật tục, giỏi ăn nói có vai trò dẫn dắt điều hành trong buổi cưới, hỏi…
|
Chiếc vòng cầu hôn trong lễ cưới truyền thống của người Ba Na |
Từ lúc yêu nhau cho đến khi nên vợ, nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng cầu hôn và lễ cưới. Trước sự chứng kiến của hai gia đình, dưới sự hướng dẫn của ông mối, đôi trai gái lần lượt trao vòng cầu hôn cho nhau. Thường thì chàng trai trao cho cô gái chiếc vòng nhôm, đổi lại, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng đồng. Bên cạnh chiếc vòng cầu hôn của chàng trai còn tặng cho cô gái thêm một chuỗi hạt cườm đeo cổ. Ngoài ra, đôi trai gái còn có thể tặng cho nhau những kỷ vật do chính tay mình làm ra.
|
Những ché rượu cần không thể thiếu trong lễ cưới |
|
Lễ cưới là ngày hội của buôn làng, được tổ chức trang trọng tại nhà Rông |
|
Già làng thực hiện nghi lễ trong đám cưới |
|
Mời cùng uống rượu cần và chia vui cùng gia đình |
Ngày cưới của người Ba Na bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Lễ cưới thường diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng. Hôn lễ được cử hành chính thức tại nhà Rông. Lễ vật bao gồm: Một ché rượu cần, một con gà với bộ gan luộc chín và một đĩa tiết sống. Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân làng và hai họ, đại diện già làng làm lễ khấn báo với thần bản mệnh của cộng đồng, lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu và chú rể. Tiếp đó, ông mối cầm tay có đeo vòng của đôi tân hôn chạm vào nhau, bắt hai người phải ăn chung một đùi gà, một miếng gan gà, uống chung một bát rượu cúng. Già làng và ông mối chúc phúc cho đôi tân hôn.
|
Hát múa mừng đôi tân hôn |
Sau hôn lễ ở nhà Rông, đám cưới được tiếp tục tại hai gia đình với sự tham gia, góp vui của toàn thể dân làng. Người ta quây quần bên các ché rượu cần. Thức ăn được bày lên những chiếc lá Pơ - pang đặt trên những tấm phên hay chiếc nong to. Cha mẹ cô dâu, chú rể đến từng ché để mời mọc và cám ơn dân làng. Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ và hát múa chúc mừng cho đôi tân lang, tân nương sống hạnh phúc trọn đời. Lễ cưới kết thúc trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, lời ca tiếng hát, những điệu múa dân gian đậm đà bản sắc của dân tộc Ba Na.