“Chìa khóa” tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính |
Ông có thể cho biết, thực hiện chủ trương CCHC, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai những hoạt động gì?
Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2020, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện.
Đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã ban hành Kế hoạch CCHC bảo đảm đúng nội dung, thời gian quy định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch phối hợp với Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình tăng cường tuyên truyền công tác CCHC với tần suất ít nhất 1 tháng 1 chuyên mục...
Trên lĩnh vực cải cách thể chế, tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Cụ thể, từ năm 2011 đến ngày 31/3/2015, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp thẩm định, góp ý 299 văn bản QPPL với 73 Nghị quyết, 220 quyết định và 6 chỉ thị.
Đến ngày 31/5/2015, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 230 văn bản (76 Nghị quyết, 148 Quyết định và 6 Chỉ thị). Nội dung chủ yếu tập trung về đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch, xuất khẩu, thị trường; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tài chính, tín dụng, thông tin, viễn thông; điều chỉnh thuế, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền... Nhìn chung, các thể chế của tỉnh được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, chất lượng ngày càng được nâng cao; hệ thống thể chế hành chính được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố hệ thống hành chính tỉnh nhà thời gian qua.
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã có 11/20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 155/159 xã, phường, thị trấn thực hiện và duy trì cơ chế một cửa; 7/8 đơn vị cấp huyện và 2/159 xã, phường (xã Bảo Ninh và phường Bắc Lý) thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại. Nhìn chung, các lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đều bảo đảm theo quy định. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
Để rà soát, đơn giản hóa TTHC, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tiến hành rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các TTHC theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức; thường xuyên rà soát các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các TTHC chưa phù hợp.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, thay thế 1.216 TTHC; bãi bỏ 379 thủ tục; công bố mới 565 TTHC, giảm tổng số TTHC được công bố và đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh xuống còn 1.557 thủ tục.
Việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công có những chuyển biến rõ rệt, ngày càng phục vụ tốt hơn các yêu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức. Tình trạng hồ sơ giải quyết chậm trễ giảm hẳn. Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức chức tận tình, chuyên nghiệp hơn. Trong năm 2015, toàn tỉnh tiếp nhận 1.385.602 hồ sơ TTHC, giải quyết 1.367.521 hồ sơ TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm 98,7%.
Chất lượng công tác giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, ngày càng phục vụ tốt hơn các yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường trách nhiệm giải trình trong thực hiện TTHC, tăng cường kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; có phiếu biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; có sổ theo dõi tiếp nhận và xử lý hồ sơ; có văn bản nêu rõ lý do gửi cho đối tượng thực hiện TTHC trong trường hợp xin gia hạn, đề nghị bổ sung hồ sơ hoặc từ chối giải quyết theo quy định… Nhờ đó, tình trạng hồ sơ giải quyết chậm trễ đã giảm hẳn so với trước đây.
Với những kết quả đã đạt được, công tác CCHC trong giai đoạn tới của tỉnh đặt ra những mục tiêu gì?
Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của toàn tỉnh là đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL, đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ của cá nhân và tổ chức để nâng cao chất lượng văn bản QPPL; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí, sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện TTHC…
Các hoạt động sẽ được triển khai mạnh mẽ để hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước toàn tỉnh thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. TTHC được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về TTHC đạt mức trên 80% vào năm 2020. Đến năm 2020, phấn đấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển của đất nước và của tỉnh; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo chức danh; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020…
Trân trọng cảm ơn ông!