Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia Công đoàn EVNCPC: Tập trung các hoạt động an sinh xã hội |
Hiện nay, để cụ thể hóa Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Bưu điện Việt Nam đã triển khai chi trả qua tài khoản ngân hàng trong công tác chi trả các chế độ an sinh xã hội.
Nỗ lực mang lại sự hài lòng cho người hưởng
Theo báo cáo, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức 13.491 điểm chi trả trợ cấp tại các cấp xã, phường trên cả nước, cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (61/63 tỉnh); người có công (54/63 tỉnh). Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam đã thử nghiệm và bước đầu mở thành công gần 150.000 tài khoản thanh toán cho đối tượng hưởng an sinh xã hội theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua Bưu điện.
Hiểu được những khó khăn và rào cản của những đối tượng nhận trợ cấp như hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền; chi phí sử dụng tài khoản chưa phù hợp và các kỹ năng thao tác của người sử dụng Smartphone. Cùng với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng CNTT, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư, cải cách thủ tục hành chính; bao phủ được toàn bộ người hưởng trợ cấp với các đặc thù khác nhau (người cao tuổi, khuyết tật, thương binh,…) mang lại sự hài lòng cho người hưởng, trong thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã tiếp tục mở rộng địa bàn triển khai việc hợp tác với ngân hàng hướng dẫn mở tài khoản cho người hưởng; nhân viên bưu điện sẽ hỗ trợ người hưởng rút tiền, chi trả trợ cấp ngay tại hệ thống bưu điện cho người hưởng. Và địa bàn tỉnh Thái Nguyên là một “điểm sáng” điển hình trong công tác thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống bưu điện.
Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tiện ích cho người hưởng
Ghi nhận tại Bưu điện – Văn hóa xã Khôi Kỳ (Đại Từ, Thái Nguyên), đây cũng là điểm chi trả các chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn xã, chị Xiêm Thúy Hà, nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã Khôi Kỳ cho biết, tại điểm chi trả này, Bưu điện thực hiện chi trả cho 129 đối tượng thụ hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và với hình thức chi trả 100% qua tài khoản thanh toán. Người hưởng sẽ được rút tiền miễn phí tại bưu điện.
Chị Xiêm Thúy Hà giải thích cụ thể cho người hưởng các bước trong quy trình |
Chị Hà chia sẻ: “Thời gian đầu khi triển khai hình thức chi trả này, nhiều cụ về hưu cũng có nhiều bỡ ngỡ. Do tuổi cao, khả năng tiếp nhận những thông tin liên quan đến việc chuyển tiền, rút tiền sẽ bị hạn chế nên các cụ cũng đến điểm và thắc mắc khá nhiều câu hỏi như không có điện thoại thông minh có rút tiền được không, tiền trong tài khoản có phải bị giữ lại để duy trì tài khoản không hay việc rút tiền có mất phí không? Hiểu được những điều này, tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thông báo về hình thức chi trả này trên hệ thống loa truyền thanh, đồng thời, in thông báo và đến tận nhà các cụ để giải thích cũng như hướng dẫn các cụ. Nhờ vậy mà tính đến thời điểm hiện tại 100% người hưởng tại xã Khôi Kỳ đều rất hài lòng và ủng hộ bưu điện trong công tác chi trả không dùng tiền mặt.
Ông Hoàng Quốc Khánh, xóm Đức Long, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được nhận tiền trợ cấp qua tài khoản thanh toán tại Bưu điện – Văn hóa xã Khôi Kỳ từ giữa năm 2023. Ông Khánh chia sẻ: “Việc nhận tiền rất dễ dàng, hàng tháng chúng tôi sẽ ra Bưu điện – Văn hóa xã Khôi Kỳ để rút tiền mà không phải lên tận Ngân hàng ở trên huyện khá xa nhà. Số tiền này chúng tôi được nhận đầy đủ đến tận số lẻ, không mất bất cứ loại phí nào nên tôi rất hài lòng”.
Cũng giống như ông Khánh, bà Nguyễn Thị Mùi, xóm Đức Long cũng rất phấn khởi khi được hỏi về công tác chi trả qua tài khoản thanh toán của bưu điện. Bà tâm sự, việc nhận tiền này có cái hay là không phụ thuộc vào việc người nhận có điện thoại thông minh hay không vì chỉ cần cầm căn cước công dân ra bưu điện – văn hóa xã là được nhận tiền rất nhanh chóng và đầy đủ, các ông bà cũng không cần phải nhớ quá nhiều về thông tin tài khoản vì tất cả đã có trên hệ thống của Bưu điện.
Ông Phạm Văn Đoan, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, thực hiện văn bản số 1831/SLĐTBXH-NCC, ngày 24/05/2023 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công, Bưu điện tỉnh đã khẩn trương hướng dẫn các đơn vị triển khai phương thức chi trả không dùng tiền mặt đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong thực hiện chính sách an sinh.
Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng không dùng tiền mặt cho 19.477 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công |
“Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân về việc chi trả không dùng tiền mặt, bưu điện tỉnh đã phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện, thành phố, chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng đăng ký hình thức nhận tiền chế độ ưu đãi người có công qua tài khoản thanh toán ngân hàng, cũng như tích cực phối hợp, chủ động thu thập thông tin, mở tài khoản, tài khoản ngân hàng cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng đang hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân viên bưu điện thực hiện công tác chi trả hiểu rõ các vấn đề về quy trình nghiệp vụ, yêu cầu tất cả nhân viên bưu điện tuân thủ các quy định, quy trình cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người hưởng” – ông Đoan nhấn mạnh.
Là đơn vị tích cực trong công tác triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, tính đến thời điểm hiện tại, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng không dùng tiền mặt cho 19.477 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công. Trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội.