Kể từ sau ngày độc lập 2.9.1945, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam hướng tới trong việc xây dựng giá trị con người thể hiện trên dòng tiêu ngữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Chỉ số hạnh phúc tăng lên, thể hiện rõ môi trường sống ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện.
Niềm vui của các cổ động viên Việt Nam tại SEA Games 31 |
Xây dựng hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng
Ngày Quốc khánh 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính thức chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước hòa bình, được sống trong độc lập, tự do.
Trong nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia có nền văn minh hàng đầu thế giới, là bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Qua đó Người khẳng định “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hạnh phúc của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải gắn với độc lập, tự do. Trong một lần trả lời các nhà báo vào đầu năm 1946 Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Độc lập tự do là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống và hệ giá trị vô giá mà Bác Hồ đề ra cho việc xây dựng đất nước. Quan điểm về chăm lo hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Trong đó hạnh phúc là khát vọng về sự phát triển của đất nước, cần được khơi dậy như một động lực tinh thần to lớn của toàn dân tộc.
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiệm vụ thứ 4 được Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Như vậy Đảng ta đã coi “việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được xác định trong Văn kiện là một nội dung quan trọng của một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong nhiệm kỳ này”.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ năm 2012 khi chỉ số hạnh phúc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (WHR) công bố, đến nay (năm 2022) xếp hạng của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí 77. Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của chỉ số hạnh phúc thể hiện rằng người dân Việt Nam ngày càng cảm thấy hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc là được sống trong hòa bình
Chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam tăng 12 bậc trong vòng 10 năm qua, đã thể hiện rõ môi trường sống ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Trong những chỉ số đánh giá về sự hạnh phúc của người dân, bên cạnh những vấn đề kinh tế - xã hội khác thì được sống trong hòa bình là một trong những điều kiện then chốt. Để nước ta có được nền hòa bình, tự do và độc lập dân ta đã sẵn sàng hy sinh tất cả tinh thần và lực lượng, của cải và tính mạng.
Về giá trị của hòa bình với hạnh phúc có lẽ cảm nhận của những người sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới như PGS.TS Vương Toàn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), người sinh sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập 1 tháng là chân thực.
Trước Cách mạng tháng Tám, nước ta nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, lúc đó các dân tộc thiểu số nơi đây phải sống trong muôn vàn khó khăn. PGS.TS Vương Toàn cho biết: Từ khi còn nhỏ ông thường được nghe kể lại cuộc đấu tranh chống phỉ và giặc: Nhà trình tường với lỗ châu mai là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất.
Trên ngôi nhà trình tường của người Tày và Nùng vùng biên giới Lạng Sơn, bao giờ trên tường người ta cũng làm lỗ châu mai, để từ trong nhà có thể quan sát và chống lại sự cướp bóc của giặc giã. Dấu ấn của chiến tranh còn đi sâu vào trong phong tục văn hóa, đó là hình ảnh trò diễn sư tử với những thế võ đường quyền. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, các dân tộc Nùng và Tày ở Lạng Sơn lại tổ chức trò diễn múa sư tử, với mục đích rèn luyện sức khỏe, tập luyện võ thuật, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để chống lại sự quấy nhiễu của thổ phỉ và giặc ngoại xâm.
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh các dân tộc thiểu số đã nhất trí đồng lòng đứng lên để làm nên Tổng khởi nghĩa tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. PGS.TS Vương Toàn thường nói vui rằng: “Tôi đã vô cùng may mắn khi được sinh ra trong thân phận của một người làm chủ đất nước, không một ngày nào phải chịu thân phận nô lệ”.
Sau ngày Quốc khánh 2.9.1945, cả nước ta lại cùng nhau đoàn kết dưới sự lãnh đạo của nhà nước non trẻ, chung tay bảo vệ nền độc lập dân tộc. Như Bác Hồ đã nói: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự”. Bảo vệ độc lập, tự do và hòa bình chính là bảo vệ hạnh phúc, vậy nên cả nước ta đã đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn về người và của.
Em trai PGS.TS Vương Toàn đã tự nguyện lên đường đánh giặc và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc.
Nhìn rộng ra, chỉ số hạnh phúc chính là những thành tựu mà chúng ta đã đạt được kể từ sau ngày độc lập, trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và quá trình xây dựng, đổi mới đất nước. Tại Đại hội XIII của Đảng, tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...”.