Các diễn giả tham dự Tọa đàm |
Tuân thủ “chưa chuẩn”
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho kết quả, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với khu vực ASEAN. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các DN Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.
Cũng theo báo cáo của WB năm 2017, có nhiều khoản chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Điển hình như chi phí tiếp cận điện năng đang cao gấp 49 lần so với Philippines.
Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: DN Việt Nam hiện đang phải chịu hai loại chi phí, chi phí chính thức và chi phí không chính thức. Trong đó, chi phí chính thức là những chi phí được pháp luật quy định như phí, thuế, lệ phí. Chi phí không chính thức là chi phí về thời gian, chi phí cơ hội kinh doanh của DN và thường nó lớn hơn rất nhiều các chi phí chính thức.
Theo ông Ngô Văn Điểm- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân (DNTN) Việt Nam: Nhiều khi chi phí chính thức được các văn bản pháp luật quy định rõ ràng nhưng vì nhiều cán bộ công chức làm “chưa chuẩn” cũng làm tăng chi phí của DN. Ví dụ, một TTHC quy định làm trong vòng 1 ngày nhưng vì “chưa chuẩn” nên DN phải bỏ ra 3-5 ngày khiến, sự chậm trễn không chỉ khiến DN mất chi phí về thời gian mà còn mất đi cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chi phí lớn hơn mà DN phải trả là chi phí không chính thức, đây còn gọi là chi phí ngầm. Nhiều DN cho biết, loại chi phí này chiếm tới 9-10% doanh thu, cao hơn cả mức lãi suất ngân hàng. Một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đưa ra con số, có tới 60% DN được khảo sát cho biết họ phải trả chi phí chưa chính thức.
Chuẩn mực trong tuân thủ pháp luật
Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gánh nặng chi phí không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của DNTN mà còn kìm hãm sự phát triển của DNTN và năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, giảm gánh nặng chi phí cho DN là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy khu vực DNTN phát triển.
Tuy nhiên, để giảm chi phí cho DN, không chỉ trông chờ vào những động thái của Chính phủ, cơ quan chức năng thông qua những cơ chế, chính sách mà phải trông chờ vào ý thức, văn hóa của công chức cũng như văn hóa kinh doanh của mỗi DN.
Theo đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách cụ thể, minh bạch, nhằm giảm thiểu những thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN hoạt động, tham gia thị trường. Tuy nhiên, muốn cải cách được TTHC, cần phải xét trên 4 vấn đề là thể chế, bộ máy, công chức và tài chính công. Để cải cách vấn đề TTHC, giảm gánh nặng chi phí cho DN, Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức yêu cầu khởi động lại Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Song để các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi cho môi trường kinh doanh thì bản thân những cán bộ công chức thực thi hoạt động cũng đóng vai trò quan trọng, họ cần có “văn hóa” và “trách nhiệm” cao trong ứng xử với DN. Để nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ công chức, bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cần giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ công chức thông qua áp dụng chính phủ điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng internet, áp dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu...
Đặc biệt, ông Ngô Văn Điểm cũng cho rằng, một trong những lý do khiến DN phải trả những chi phí chính thức cao hơn quy định và chi phí không chính thức quá lớn là do họ chưa hiểu biết pháp luật một cách cặn kẽ, đồng thời không tuân thủ đúng những quy định pháp luật về kinh doanh, nên họ phải bỏ ra những chi phí không chính thức để “thỏa hiệp”. Do đó, để giảm gánh năng chi phí, bản thân mỗi DN cũng cần tìm hiểu pháp luật, tuân thủ đúng quy định pháp luật về kinh doanh và đặc biệt cần chú trọng sự “chuẩn mực” trong xây dựng văn hóa DN.