Dự án trên nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản. Với việc chế tạo thành công các thiết bị nêu trong dự án đã góp phần quan trọng giúp ngành y tế có thêm phương tiện hiện đại để chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Sử dụng hệ thống chẩn đoán và điều trị từ xa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định |
Cụ thể, nhóm thực hiện dự án chế tạo thành công hệ thống hội chẩn video nhằm phục vụ việc hội chẩn trực tuyến các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA. Ưu điểm của hệ thống hội chẩn video là “tạo ra một phòng họp trực tuyến” từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ..., giúp các bác sĩ giao tiếp từ khoảng cách rất xa qua mạng Internet.
Từ đó, các bác sĩ cùng nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân, cùng trao đổi và thống nhất đưa ra phương hướng điều trị thích hợp nhất. Hệ thống hội chẩn video còn được tích hợp với hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh), giúp việc số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, siêu âm trở nên dễ dàng hơn.
Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, nên giá thành giảm xuống còn khoảng chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại. Hệ thống PACS được kết hợp với giải pháp bảo mật cao, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (ISO 12052:2006), đảm bảo khả năng lưu trữ dữ liệu ảnh lâu dài hay luân chuyển dữ liệu qua kênh bảo mật riêng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các bệnh viện xây dựng bệnh án điện tử.
Hiện nay, các bệnh viện luôn trong trình trạng quá tải, đặc biệt là các bệnh viện lớn. Người bệnh từ các tỉnh dồn về thành phố khám và điều trị ngày càng nhiều, khiến các bệnh viện tuyến trên bị quá tải. Quá tải bệnh viện không chỉ gây ra phiền hà cho người bệnh cùng thân nhân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Ngành y tế đã triển khai giảm tải bằng nhiều giải pháp như nâng cao năng lực y tế cơ sở hay xây dựng bệnh án điện tử thông qua việc số hóa các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân, bao gồm thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh... Trong đó, việc số hóa và truyền tải dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện đang là một thách thức lớn, bởi hệ thống thu thập, lưu trữ và truyền hình ảnh DICOM do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp có giá thành rất cao, không phù hợp với điều kiện của các bệnh viện Việt Nam hiện nay. Do đó, việc triển khai thành công dự án có ý nghĩa vô cùng lớn.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt đã chính thức chuyển giao và đào tạo cách thức vận hành hệ thống cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và kỹ thuật tại nhiều bệnh viện tiêu biểu như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Trung tâm Medic, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An)…Ước tính, với số lượng hơn 1.000 bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu khám chữa bệnh từ xa và kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện là rất lớn. Khi triển khai thành công, dự án sẽ giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý cho bệnh viện. Việc số hóa các hình ảnh X-quang, CT, MRI, siêu âm là một phần rất quan trọng trong bệnh án điện tử.
|