Xác định 4 người tử vong trong vụ cháy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội Cháy nhà ở Định Công và câu chuyện điện mặt trời áp mái Cháy ở Hà Nội: Trẻ em mắc kẹt, xe cứu thương đưa nạn nhân ra ngoài |
Nhiều người dân Hà Nội có lẽ vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi đọc tin vụ cháy nghiêm trọng tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) làm chết 4 người, trong đó có 3 trẻ nhỏ. Những cái chết vì hỏa hoạn đầy ám ảnh lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là trong các khu dân cư đông đúc.
Hàng xóm chứng kiến kể lại, trước khi ngọn lửa bùng lên cao nuốt trọn căn nhà, họ vẫn nhìn thấy bàn tay nhỏ thò ra vẫy vẫy ở cửa sổ tầng cao và chiếc đèn pin huơ huơ cầu cứu. Nhưng không có phép màu nào xảy ra! Đằng sau những con số thống kê khô khan là những mất mát không thể bù đắp, là những cuộc đời non nớt bị chấm dứt một cách oan uổng.
Nhưng đây không phải là vụ cháy nghiêm trọng đầu tiên và liệu đã phải là thảm họa cuối cùng tại Hà Nội?
Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn cao 6 tầng, 1 tum, mặt tiền khoảng 5-6 m2, có địa chỉ tại 207 Định Công Hạ. Ảnh: CT |
Vào sáng sớm ngày 13/5/2023, ngôi nhà ba tầng một tum trên phố Thành Công (quận Hà Đông) đã chứng kiến một bi kịch khi 4 bà cháu thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Không kém phần thương tâm, vụ cháy tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) vào rạng sáng ngày 13/9/2023 đã làm 56 người ra đi mãi mãi. Rồi ngày 24/5, vụ cháy chung cư tại phường Trung Kính (quận Cầu Giấy) tiếp tục cướp đi 14 sinh mạng. Những căn nhà cháy cùng ngọn lửa ác nghiệt đã khép lại cuộc đời của những người vô tội trong bi kịch đau lòng.
Trước những vụ hỏa hoạn thảm khốc vừa qua tại Hà Nội, không chỉ cộng đồng dân cư mà cả xã hội đều xót xa, đau đớn bởi mất mát nghiêm trọng về người và tài sản. Nhưng ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những thảm họa có phần oan nghiệt này?
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng trách nhiệm phòng cháy chữa cháy không chỉ nằm ở cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ của từng cá nhân, từng gia đình. Trong rất nhiều vụ cháy, nguyên nhân chính thường xuất phát từ sự lơ là, thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, gas hay việc không tuân thủ các quy định an toàn cháy nổ. Thậm chí những “chuồng cọp” kiên cố thay vì bảo vệ an toàn cho chủ nhà lại vô tình trở thành lồng sắt nhốt người trong hỏa hoạn.
Ai cũng biết vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội đang là một thách thức lớn đối với cả chính quyền và cộng đồng. Hàng nghìn tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng, đặc biệt là các ngõ ngách nhỏ, việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng không vì thế mà nói chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm soát phòng chống cháy, nổ.
Vậy đâu là chìa khóa để giải quyết vấn đề, tránh lặp lại những thảm họa nghiệt ngã?
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra và yêu cầu nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các công trình dân dụng. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm cả việc nâng cấp và mở rộng hệ thống đường phố để các xe cứu hỏa có thể tiếp cận được mọi khu vực một cách hiệu quả.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự chặt chẽ trong quản lý và kiểm tra của các cơ quan chức năng. Các khu dân cư, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao như nhà tập thể cũ, chợ, khu công nghiệp cần được kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn cháy nổ. Việc xây dựng các lối thoát hiểm, cầu thang thoát nạn và hệ thống báo cháy tự động cần được thực hiện đầy đủ, đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, cần có sự tăng cường thông tin, tuyên truyền và đào tạo người dân về quy trình phòng cháy, chữa cháy cơ bản để mọi người có thể tự bảo vệ mình và giúp đỡ nhau trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó cần thiết kế các chương trình đào tạo, tập huấn định kỳ về phòng cháy chữa cháy cho cộng đồng.
Trước mỗi sự cố, chúng ta lại rút cho mình những bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, đôi khi, rút kinh nghiệm không đủ để đối phó với những thảm họa đe dọa tính mạng và tài sản của con người. Trước thảm họa “giặc lửa” chúng ta cần hành động và phải hành đọng ngay lập tức, để không còn những bàn tay trẻ nhỏ vẫy vùng trong vô vọng khi đối mặt với ngọn lửa dữ.
Chỉ khi nào cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể ngăn chặn được những bi kịch đau lòng như những gì đã xảy ra!