Theo đó, việc đánh giá lại cách Bộ Năng lượng Mỹ phê duyệt giấy phép xuất khẩu khí đốt có nguy cơ đình trệ các dự án mà châu Âu đang phụ thuộc để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình trong khi nỗ lực ứng phó với tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tờ Politico gọi đây là động thái mới nhất về việc các ưu tiên chính sách của Mỹ - trong trường hợp này là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm carbon - có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu và thậm chí làm nản lòng các mục tiêu an ninh chung của các đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Đồng thời, những người ủng hộ Tổng thống Biden trong phong trào vì môi trường đã vui mừng trước thông tin Nhà Trắng đang xem xét tăng cường giám sát việc xuất khẩu khí đốt làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu như thế nào.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 5 dự án đang được xây dựng sẽ tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên hóa lỏng vào 2026 được khai thác ở vùng biển phía nam các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.
Hiệp hội thương mại EuroGas ước tính, Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt của Nga xuống chưa đến 1/3 trong số 155 tỷ mét khối khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, EU đã phải lấp chỗ trống bằng cách tăng gấp 3 lần nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Mỹ, đạt 60 tỷ mét khối khí vào năm 2023.
EU chưa “cai” được khí đốt Nga
Dữ liệu được cung cấp bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) của Phần Lan cho thấy, EU vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga xét về cả đường ống và LNG năm 2023.
Trong khi nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống giảm 60% sau vụ nổ Dòng chảy phương Bắc và việc đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu, thì xuất khẩu LNG của Nga cho châu Âu tăng lên.
Việc Mỹ đang suy nghĩ lại về việc xuất khẩu khí đốt đang khiến ngành năng lượng châu Âu lo lắng |
Theo ông Alexey Grivach, Phó Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga ổn định ở mức 2-2,5 tỷ mét khối kể từ tháng 9/2022.
Ông Grivach cho rằng, xuất khẩu LNG của Nga sang EU thậm chí có thể tăng vào năm 2024. Hầu như toàn bộ khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Bán đảo Yamal của Nga và khu vực Biển Baltic đã được cung cấp cho EU trong hai năm qua.
Chủ tịch EuroGas, ông Didier Holleaux cho hay: “LNG này là một sự cứu trợ cho châu Âu và góp phần ổn định giá khí đốt, điện cho người tiêu dùng trong EU, sau một thời gian dài giá cao kỷ lục do nguồn cung của Nga giảm”.
“Việc thiếu nguồn xuất khẩu khí đốt bổ sung của Mỹ sẽ có nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu”, ông Holleaux nói.
Các chuyên gia của Politico tin rằng, việc giảm nguồn cung từ Mỹ có thể thúc đẩy các công ty châu Âu và châu Á ký hợp đồng với Qatar - quốc gia đang có kế hoạch tăng sản lượng đáng kể khí tự nhiên hoá lỏng.
Theo ghi nhận, xuất khẩu LNG của Mỹ đã lập kỷ lục trong tháng 12 và cả năm 2023. Cụ thể, khoảng 8,6 triệu mét khối khí LNG đã rời các cảng của Mỹ tháng trước. Tổng cộng cả năm, xuất khẩu của Mỹ tăng 14,7% lên 88,9 triệu mét khối khí.
Châu Âu có lý do để lo lắng
Giới chuyên gia ước tính, châu Âu có thể sẽ cần tiếp tục nhập khẩu LNG Mỹ trong thập kỷ tới. Đồng nghĩa với việc “Lục địa già” sẽ cần nhiên liệu trong một thời gian rất dài, với số lượng rất lớn.
Tuy nhiên nếu chương trình nghị sự về môi trường chiếm ưu thế trong chính sách đối nội của Nhà Trắng, thì điều này có nghĩa là châu Âu sẽ phải quay trở lại sử dụng khí đốt từ Nga một lần nữa để không xảy ra sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ nền kinh tế vĩ mô khu vực. Trong bối cảnh này khiến châu Âu lo sợ đến mức phải bàn bạc về việc “suy nghĩ lại” và “đánh giá lại” chính sách ưu tiên năng lượng của nhà cung cấp chủ chốt.
Mỹ và EU đều tham gia cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng trước ở Dubai để bắt đầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch (Ảnh minh họa) |
Trước đó, cả Mỹ và EU đều cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra vào tháng trước ở Dubai để bắt đầu “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Nhưng điều đó không làm thay đổi vị thế của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và nhà xuất khẩu LNG lớn, hay làm giảm bớt “cơn khát” nhiên liệu của châu Âu đối với nguồn năng lượng này từ Washington.
Ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty thông tin hàng hóa ICIS cho biết, bất chấp kế hoạch đầy tham vọng của EU nhằm đạt được mục tiêu trung lập về khí hậu vào năm 2050, khối này vẫn chưa đặt ra thời hạn cho việc loại bỏ khí đốt. Ông cho hay, lục địa này có thể cần tiếp tục tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ trong thập kỷ tới.
“Để vượt qua 2 năm sau khi Nga cắt cung cấp khí đốt, châu Âu đã phải cắt giảm tiêu thụ và chuyển qua mua LNG, phần lớn là của Mỹ. Washington cung cấp gần 20% tổng lượng khí đốt cho EU và Anh năm qua, tăng từ mức 5% hồi 2021. Đây là mức tăng trưởng lớn”, ông Marzec-Manser nhận xét.
EU là khách hàng mua LNG lớn nhất thế giới. Khu vực này đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng lực nhập khẩu, bổ sung thêm 6 bến cảng mới kể từ đầu năm 2022 như một phần trong nỗ lực thoát khỏi khí đốt qua đường ống của Nga. Việc mở rộng có nghĩa là đến năm 2030, châu Âu sẽ có khả năng tiếp nhận hơn 400 tỷ mét khối nhiên liệu hóa lỏng, tăng hơn 25% so với năm trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Kể từ tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu đã tăng khoảng 8,7%/tháng.
Tuy nhiên, một phân tích về sự thay đổi nguồn cung của các chuyên gia tại Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) cảnh báo, các nước châu Âu có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp giống như họ đã từng làm với Nga trong quá khứ.