Tăng trưởng kinh tế đang giảm ở hầu hết các quốc gia của châu lục này do giới tiêu dùng và các công ty đang phải dốc sức trả nợ. Các ngân hàng trung ương đã nhiều lần cắt giảm lãi suất, làm cho đồng nội tệ của họ bị giảm giá, thế nhưng kinh tế chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, nhu cầu vẫn tiếp tục yếu, tiền lương không được cải thiện và giá hàng hóa vẫn ở mức thấp. Các yếu tố đó đang gây nhiều khó khăn cho việc hoàn nợ. Trong bối cảnh như vậy rõ ràng ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của khu vực cũng như làm mất đi động lực tăng trưởng của châu lục đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu ở các năm trước.
Kinh tế trưởng của Standard & Poor’s Ratings Service - Paul Sherd nhấn mạnh, kể cả trong trường hợp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 0%, mọi người vẫn không mặn mà với việc vay tiền.
Kim Hee-Do, một viên chức văn phòng 35 tuổi ở Seoul là một trong những người từ chối vay tiền, mặc dầu Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã 3 lần cắt giảm lãi suất trong các tháng gần đây. Mặc dầu vợ ông đang hy vọng có thể tận dụng việc giảm lãi suất xuống 1,75% để đổi xe Wolkswagen đời 2003 của vợ chồng họ, nhưng Kim đã thuyết phục vợ ngừng việc đổi xe. Kim khẳng định, ông được đánh giá là người thành đạt nhưng vẫn cảm thấy không thể chi tiêu thêm nữa và đang rất lo cho tương lai của mình.
Một nửa tổng số nợ trong 7 năm gần đây đang kìm hãm tăng trưởng của các nền kinh tế đang và mới nổi châu Á. Chỉ tính riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 1/3 tổng tỉ lệ tăng nợ trên thế giới kể từ năm 2007, theo báo cáo của McKimsei Global Institute.
Mức nợ ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia Thái Lan và Hàn Quốc đã cao hơn nhiều so với trước khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 90. Tại các nước như Hàn Quốc, Malaysia và Australia, tương quan giữa nợ và thu nhập của các hộ gia đình đã cao hơn so với Mỹ trước khủng hoảng tài chính gần đây.
Các nước châu Á đã rất thận trọng đối với việc vay nợ sau các vấn đề phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính của họ, điều đó cho phép họ vay được tiền để duy trì tăng trưởng và góp phần kéo lại sự suy giảm của kinh tế toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới, tuy nhiên, châu Á vẫn tiếp tục vay tiền sau khủng hoảng. Tín dung ngân hàng dễ dãi và dòng tiền mặt dồi dào đã ru ngủ các nhà hoạch định chính sách, ông Federic Neumann - đồng Chủ tịch Ban nghiên cứu kinh tế HSBC Holdings PLC nhận xét.
Đã có sự ám chỉ rõ ràng về cơn say vay nợ của châu Á. Nợ của Hoa Kỳ tăng cao đã dẫn tới khủng hoảng tài chính mà nguyên nhân của nó một phần đến từ tỉ lệ lãi suất ngân hàng ở mức rất thấp đã tạo ra một tỉ lệ tiết kiệm rất cao ở châu Á. Các nước khu vực này, đặc biệt là Trung Quốc đã mua một lượng lớn trái phiếu nợ của kho bạc Mỹ, dẫn tới làm giảm hiệu suất và chi phí tài chính cho nền kinh tế.
Hiện tại chính sách tiền tệ quá nới lỏng ở Mỹ, EU và Nhật Bản đã đưa đến hậu quả làm cho nguồn tiền mặt tràn ngập châu Á. Các nhà đầu tư bằng mọi cách tìm kiếm hiệu suất lợi nhuận đã gây ra giảm lãi suất, tạo thuận lợi cho các Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng vay được nhiều tiền hơn bao giờ hết với lãi suất thấp nhất trong lịch sử.
Ai là những người vay nợ
Nhưng người vay nợ có các đặc điểm khác nhau trong khu vực. Tại Trung Quốc, các tập đoàn lớn của nhà nước, các nhà kinh doanh bất động sản, chính quyền địa phương các tỉnh đang mắc các khoản nợ kếch xù. Ở Malaysia và Thái Lan thì người tiêu dùng là thành phần vay nợ chủ yếu để trang trải cho phong cách sống của tầng lớp trung lưu, như vay để mua sắm xe hơi, hàng điện tử gia dụng thế hệ mới.
Các nhà sản xuất hàng hóa trong khu vực đã vay nợ với niềm tin vào việc nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng, đẩy giá lên cao sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận cho đầu tư vào đầu cơ.
Tại Nhật, chính phủ vẫn tiếp tục sống với tổng số nợ đã vượt 400% tổng GDP hàng năm. Nhật hiện là nước có mức nợ cao nhất thế giới. Nếu khổng kể Nhật thì nợ của các quốc gia châu Á cũng đã lên đến 205% tổng GDP năm 2014, cao hơn rất nhiều so với mức 144% của năm 2007 và 139% của năm 1996. Theo tính toán của Morgan Stanley, trước khủng hoảng tài chính châu Á, tổng số nợ của Trung Quốc đã lên đến 28,2 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2014, tương đương với khoảng 282% GDP. Tăng gấp nhiều lần so với 7,4 nghìn tỷ USĐ của năm 2007. Theo McKinsey, tỉ lệ nợ hiện nay của Mỹ tương đương với 269% GDP của nước này.
Ở một số nước nghèo như Ấn Độ và Indonesia mức nợ vẫn tương đối thấp so với tầm vóc của nền kinh tế, tuy nhiên tổng nợ của các công ty trong lĩnh vực hạ tầng của Ấn Độ cũng ảnh hưởng lớn đến kinh tế quốc gia này. Tại một số nước khác trong khu vực như Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang phải đối mặt với các khó khăn giữa mức nợ cao và tỷ lệ dân số già. Điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế này khó lấy lại được đà tăng trưởng cao như các năm trước.
Mặc dầu tỉ lệ nợ tăng cao, nhưng ít có khả năng xẩy ra khủng hoảng tài chính ở châu Á, do phần lớn các khoản vay đều bằng đồng nội tệ chứ không phải bằng ngoại tệ. Chính vì vậy đa số các nhà phân tích nhận xét rằng, đồng tiền của các nước có thể bị giảm giá, nhưng khả năng rơi vào default là rất khó xẩy ra. Đây là điểm khác nhau của nợ châu Á hiện nay so với khủng hoảng tài chính thập kỷ 90.
Phần lớn các chính phủ châu Á có mức nợ vừa phải cho phép họ giảm được rủi ro với người cho vay và khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Mặt khác các khoản nợ phần lớn tập trung vào tín dụng ngân hàng và trái phiếu thay vì các sản phẩm mang nặng tính đầu cơ gây ra khủng hoảng bất động sản tại Mỹ.
Mối quan ngại lớn
Mặc dầu vậy, xu hướng quan ngại vẫn rất lớn. Ở Trung Quốc một nửa số nợ tập trung ở lĩnh vực bất động sản và 1/3 trong số đó là các khoản vay từ các hệ thống ngân hàng trong bóng tối. Các khoản nợ này có thể tác động trực tiếp lên thanh khoản chung của các ngân hàng như đã từng xẩy ra trong cuộc khủng hoảng ở Mỹ.
Một trong các rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn là việc tăng lãi suất tại Mỹ. Điều này có thể dẫn tới nguồn vốn đến châu Á bị hạn chế nhiều gây ra tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán. Mặt khác cũng làm tăng thêm chi phí tài chính và gây ra biến động bất ổn trên các thị trường hối đoái.