Tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã |
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện số cán bộ công chức cấp xã, huyện dôi dư ra sau sắp xếp còn khá nhiều. Mặc dù, thời gian qua các địa phương đã xử lý, dùng nhiều biện pháp như: Nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển, điều động nhưng dôi dư còn lớn. "Đây là vấn đề cử tri rất quan tâm và đề nghị đoàn giám sát cần đề xuất chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư để động viên họ” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần đánh giá thêm về “chất lượng sau sắp xếp”, nhất là chất lượng đô thị khi đô thị nhập vào nông thôn. “Ví dụ, 1 xã và 1 phường nhập lại sẽ gọi là xã hay phường? Nếu là xã thì không ai nhập. Còn là phường thì quy mô lớn hơn nhưng chất lượng đô thị có cái yếu đi. Bộ Xây dựng cho biết, ở một số nơi, chất lượng đô thị giảm tới 50%. Vì thế, cần rà soát và yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo thêm về vấn đề này” - ông Nguyễn Khắc Định nêu.
Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, trong quá trình tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các địa phương nên chọn thêm 2 đơn vị tại phía Nam. Bởi hiện 6 tỉnh dự kiến đi giám sát chủ yếu ở phía Bắc, trong khi phía Bắc đang làm tốt còn phía Nam đang hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, khi đi giám sát nên chọn địa bàn chứ không nên để địa phương chọn trước. Đây là giám sát của Quốc hội nên cần khách quan chứ “theo sắp đặt trước” thì đồng thuận hết. Đồng thời, nên xuống làm việc gặp xã, gặp dân và cán bộ hưu. Nếu họ đánh giá còn nhiều vấn đề thì cần xem xét thêm.
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu |
Từ thực tế từng làm Bí thư Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường chia sẻ, tâm lý chung ở dưới cơ sở là không muốn sáp nhập vì động chạm tới yếu tố con người. Sáp nhập thì cuộc sống có tốt hơn không hay chỉ nhằm đạt mục tiêu giảm đầu mối về nhân sự và bộ máy?
Vì vậy, quan trọng là sau sắp xếp có hiệu quả và thiết thực hay không, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Quản lý nhân khẩu nhỏ thì được chứ lớn thì có vấn đề nên cần có báo cáo chính xác, toàn diện hơn. “Qua thực tế lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi nhận thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa bàn miền núi phải rất cân nhắc, nếu không sẽ khổ cho người dân phải đi lại xa xôi, phiền hà khi cần giải quyết thủ tục hành chính” - ông Cường nói và nêu ví dụ, như huyện Ea Súp địa giới hành chính còn rộng hơn cả tỉnh Thái Bình.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - ông Ngô Sách Thực - cho rằng, việc đánh giá hiệu quả ngay việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bây giờ còn sớm. Bởi muốn chứng minh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiệu quả đến đâu cần có thêm thời gian.
Qua quá trình giám sát, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, còn “vài vấn đề nổi lên” và cần tiếp tục làm sâu thêm. Vướng mắc nhất vẫn là liên quan đến giải quyết chính sách cho cán bộ. Sáp nhập phải quyết tâm rất cao từ cấp tỉnh, cấp huyện, sự đồng thuận giữa cấp ủy 2 xã. Khi sáp nhập 2 xã vào một thì cấp ủy 2 xã phải đồng tình. Việc giải quyết chính sách cho cán bộ vì vậy cũng rất quan trọng, nhằm tạo ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, bây giờ giữa các tỉnh thì có tỉnh có, có tỉnh không, tạo ra tâm trạng đối với những người được sắp xếp trung chuyển từ việc này sang việc kia, hay người nghỉ hưu. Cho nên cần phải có một chính sách để làm sao người nào được chuyển sang đóng bảo hiểm sang lĩnh vực khác, người nào được nghỉ hưu trước. "Chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp rất quan trọng. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên môn phải có ý kiến sâu hơn” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhận định.
Bên cạnh đó, trong việc sắp xếp, theo ông Ngô Sách Thực phải quan tâm đến vấn đề thủ tục hành chính khi 2 xã nhập lại thành một thì trụ sở của xã mới ở địa bàn xa hơn nên phải khắc phục nhiều hướng. Vì vậy, cần đẩy mạnh dịch vụ công, nhất là đối với vùng miền núi. “Nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh kỹ thuật số, Chính phủ số ngay tại những xã được sáp nhập thì sẽ chứng minh được sự ưu việt trong sáp nhập, tránh việc người dân, nhất là người dân ở vùng miền núi lại phải đi xa hơn khi đi làm thủ tục hành chính” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị.