Doanh nghiệp dệt may có mức lương khá thấp, khó thu hút được lao động có tay nghề, trình độ |
“Sính” lao động phổ thông
Công ty TNHH Mavin Austfeed Nghệ An mới đi vào hoạt động 6 tháng. Hiện, công ty có 300 nhân viên với gần 100% công nhân là lao động thủ công. Doanh nghiệp (DN) này đang tiếp tục có nhu cầu tuyển thêm 100 công nhân để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tiêu chuẩn duy nhất chỉ cần sức khỏe và độ tuổi.
Tương tự, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam có khoảng 17.000 lao động, số lao động có tay nghề chỉ chiếm khoảng 50%. Thậm chí, có DN, lao động phổ thông chiếm đại đa số. Đơn cử như Công ty TNHH Điện tử BSE hiện có 4.993 lao động; trong đó, lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ khoảng 200 người, còn lại là lao động phổ thông. Với Công ty Royal Food, lao động có trình độ đại học, cao đẳng là 77 người, 200 lao động là công nhân kỹ thuật, 68 lao động phổ thông.
Lý giải tình trạng này, ông Phan Xuân Hóa - Phó Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam - cho biết: Các DN chủ yếu lựa chọn lao động phổ thông vào làm việc bởi đây là lực lượng có sẵn tại địa phương, giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí. Bên cạnh đó, DN sử dụng nhiều lao động chủ yếu ở các lĩnh vực như may mặc, sản xuất đồ chơi trẻ em hay điện tử… có mức lương khá thấp, vì vậy, khó thu hút được lao động có tay nghề, trình độ.
Chưa nắm bắt được cung - cầu
Từ năm 2012 đến nay, thực hiện đề án đào tạo lao động kỹ thuật cao, số lao động có tay nghề chỉ tăng từ 44-55%, còn lại là lao động phổ thông. Sau 4 năm, đã có 128 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên liên kết tiếp nhận, tuyển dụng 35.273 lao động kỹ thuật sau đào tạo vào làm việc. Số lao động làm việc tại các DN trong tỉnh và DN có vốn nước ngoài chỉ khoảng 17.000 người. Nguyên nhân chính bởi DN Nghệ An chủ yếu là vừa và nhỏ nên cơ hội việc làm không nhiều, mức lương trả chưa hợp lý, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề không cao.
Cùng đó, chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Sau 4 năm tập trung đào tạo lao động kỹ thuật, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 51.131 người, chỉ đáp ứng được 71% mục tiêu đề ra. Về chất lượng, cơ cấu nhiều ngành nghề chưa hợp lý; trong đó, những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao, tỷ lệ đào tạo quá thấp, như: Xây dựng (chỉ đạt 29,59%); giao thông vận tải (42%); nông - lâm - thủy sản (52,17%)... Ngược lại, có những ngành nghề đào tạo lại quá nhiều, dù nhu cầu không lớn như: Tiểu thủ công nghiệp (92,21%); thương mại - dịch vụ (70,79%). Việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến lãng phí “kép” cả về kết quả đào tạo và lực lượng lao động.
Dự báo, nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật của Nghệ An từ nay đến năm 2020 là 120.000 người. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là lao động kỹ thuật cao gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao tính liên kết và trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo với DN. Thực hiện tốt điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường lao động, đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng...
Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An: Nghệ An hiện là trung tâm đào tạo nhân lực cao của vùng nhưng chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật của một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn, thiếu định hướng, dự báo, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Cơ cấu một số ngành nghề còn mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. |