Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Có 1.000 tỷ đồng nhưng chưa chi đồng nào |
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều.
"Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án Luật, đến nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Trong đó, đối với quy định về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, hợp đồng bảo hiểm (Chương II) là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại chương này như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - đoàn Bình Phước cho rằng, dự thảo luật cần bảo đảm hài hòa hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm. Theo đó, cần quy định các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải chi tiết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Đặc biệt, cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.
Liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Tuấn - đoàn Bắc Giang cho hay, cần bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, và đây phải là “yêu cầu bắt buộc” trong hợp đồng bảo hiểm.
Lý do theo ông Tuấn là bởi mặc dù luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin, và trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Nhưng thực tế cho thấy nếu hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng thì vẫn có trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do việc cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, cặn kẽ.
Khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người mua bảo hiểm có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng, hoặc đòi lại nhưng không được như mong muốn sẽ cảm thấy bức xúc, cảm thấy bị doanh nghiệp lừa, từ đó khiếu nại tố cáo.
"Do đó, luật cần bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sẽ tăng cường trách nhiệm trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm" - đại biểu Trần Văn Tuấn bày tỏ.
Đề cập đến bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - đoàn Tây Ninh, về chi phí hợp lý tại Điều 22 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý trong hợp đồng bảo hiểm.
“Tuy nhiên lại không nêu rõ “thế nào là chi phí hợp lý”, mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm” - bà Thúy nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, cần đưa chi phí hợp lý vào trong hợp đồng bảo hiểm để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình lược đi các chi phí không hợp lý, ép người mua bảo hiểm phải chịu.
Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên cũng lưu ý, hợp đồng bảo hiểm đang có nhiều thuật ngữ, điều khoản thuận lợi cho bên bán bảo hiểm, nên cần có quy định rõ về quyền lợi, trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm với từng loại hình bảo hiểm.
Theo đại biểu đoàn Điện Biên, nên nghiên cứu để luật, hay văn bản hướng dẫn dưới luật cần có quy định hợp đồng mẫu với những điều khoản mang tính chất tham khảo, công khai với người dân để người dân hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm.