Thúc đẩy doanh nghiệp vừa & nhỏ khởi nghiệp năng động, sáng tạo Phân bón Cà Mau tiếp sức Cuộc thi Khởi nghiệp xanh lần 9 năm 2023 |
Sau nhiều lần hẹn mà chưa gặp được, cuộc hẹn của tôi và Bửu hôm nay cũng phải lùi thời gian. Bửu nhắn tin lại thông báo với tôi sẽ về trễ chút, anh cùng nhóm cộng sự gần 30 người đang tất bật với đơn hàng 110 bức tranh gạo khổ nhỏ (15x15cm). Đơn hàng này phải được hoàn thành trong thời gian 7 ngày để kịp bàn giao, khách hàng là một tổ chức đoàn thể trên địa bàn TP. Cần Thơ...
Trước đó, bộ sưu tập tranh gạo trưng bày trong hội chợ, triển lãm TP. Cần Thơ – 20 năm thành tựu và phát triển (từ ngày 2 đến ngày 6/11) của Bửu đã được khách hàng trong và ngoài thành phố đặt mua hết. Các bức tranh gạo khổ 40x60cm thể hiện hình ảnh phong cảnh, kiến trúc tiêu biểu của Cần Thơ đều có giá thấp nhất từ 2,7 triệu đồng.
Anh Khưu Tấn Bửu giới thiệu kỹ thuật làm tranh gạo tại hội chợ, triển lãm TP. Cần Thơ – 20 năm thành tựu và phát triển (tổ chức đầu tháng 11/2023) |
Từ đam mê sáng tác tranh với chất liệu là hạt gạo, năm 2016, anh Khưu Tấn Bửu (sinh năm 1985, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) quyết tâm chuyển hướng làm tranh thương mại với số vốn ban đầu 30 triệu đồng cộng với 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sau 7 năm khởi nghiệp, có sự hỗ trợ về mặt bằng trưng bày, quảng bá sản phẩm của các đoàn thể và chính quyền địa phương, thương hiệu tranh gạo Tấn Bửu đã được nhiều người biết đến, đối tượng khách hàng cũng ngày càng được mở rộng.
Tác phẩm tranh gạo thể hiện hình ảnh phong cảnh, kiến trúc tiêu biểu của TP. Cần Thơ |
Bửu kể, để có được thành công bước đầu như hôm nay, anh đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Theo học chuyên ngành tài chính – ngân hàng nhưng lại mê làm tranh gạo, lúc đầu chỉ là đam mê thuần túy, khi bắt tay phát triển thành sản phẩm thương mại mới thấy không đơn giản. Trong khoảng thời gian này, Bửu vừa đầu tư nâng cao chất lượng tranh gạo, vừa từng bước đưa sản phẩm tiếp cận thị trường.
Riêng với làm tranh, các công đoạn chủ yếu đều tự học, khó nhất là “lên màu” cho hạt gạo, nguyên liệu chính để đính lên tranh.
“Sau rất nhiều lần thử rồi sai, hư rồi bỏ, tôi cũng tìm ra cách rang gạo để có được 36 cấp độ màu. Đều thú vị nữa là tôi khám phá ra phương pháp dùng màu sắc lấy từ một số loại rau, củ, quả bản địa để nhuộm gạo. Với cách này, hạt gạo trắng khi nhuộm sẽ cho ra 12 màu; trong mỗi màu, tùy vào mức độ rang sấy, lại cho thêm 10 cấp độ màu khác nữa”, anh Bửu chia sẻ.
Tháng 11/2020, tranh gạo Tấn Bửu được UBND TP. Cần Thơ chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương, xếp hạng 4 sao. Mừng nhưng không tự mãn, Bửu càng quan tâm đầu tư nâng chất cho sản phẩm nhiều hơn theo góp ý của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố và ý kiến đóng góp từ khách hàng. Nhờ đó, nhiều bộ sưu tập tranh gạo với chủ đề liên quan đến những dịp lễ, tết, lịch sử, quê hương, du lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh… được anh cho ra mắt trong những năm gần đây tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người thưởng lãm và người mua tranh.
Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ và đại diện các sở, ngành giới thiệu, quảng bá sản phẩm tranh gạo Tấn Bửu |
Đẹp, có hồn, bảo đảm về độ bền là những tiêu chí đặt ra cho sản phẩm tranh gạo mà Bửu cùng nhóm cộng sự đã đạt được. Đầu ra cho sản phẩm tranh gạo cũng dần ổn định, mỗi tháng đều có khoảng 100 sản phẩm được khách hàng đặt mua thông qua 2 “kênh” bán hàng là mạng xã hội và nguồn giới thiệu từ các tổ chức, cá nhân, cơ quan đoàn thể, địa phương.
Bửu cho biết, mong muốn của anh là tiếp tục đào tạo được nhiều bạn trẻ làm nghề và sống được với nghề. Từ đó, hình thành cộng đồng làm tranh, xây dựng làng nghề tranh gạo, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới cho xứ sở “gạo trắng nước trong”.