Ngày 6/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh |
Giải phóng mặt bằng phải đảm bảo tiến độ
Một trong những nội dung được các đại biểu đặt ra đó là vấn đề giải phóng mặt bằng sao cho đảm bảo tiến độ.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn - đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đền bù giải phóng mặt bằng là khâu vướng nhất trong tất cả những dự án giao thông cũng như những dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội. Vướng mắc này làm cho quá trình triển khai thực hiện dự án bị kéo dài, dẫn tới chậm tiến độ.
Đại biểu chỉ ra, ngân sách địa phương bỏ ra để đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Trung ương cần hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách. Điều này là rất quan trọng bởi xây dựng chính sách thỏa mãn được lòng dân là rất khó.
“Giá đất hiện nay là có sự biến động hàng ngày mà chính sách của mình nếu chốt lại một cái khung không theo kịp sự thay đổi đó thì dẫn tới tắc. Mặc dù thành phố từ xưa nay đã thực hiện chính sách đền bù là tối đa khung để đền bù, chính sách hỗ trợ là tối đa nhưng vẫn tắc” - đại biểu Tuấn băn khoăn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - đoàn Quảng Trị cũng chia sẻ, về vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh bởi diện tích mặt bằng cần giải phóng của 2 dự án này tương đối lớn.
Đại biểu Thắng cho hay, nhìn lại dự án sân bay Long Thành, khi gặp phải khu vực dân cư đông đúc, việc giải phóng rất khó khăn, kéo dài nhiều năm. Với các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 lại thuộc 2 thành phố lớn, chỉ khi giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án mới có thể triển khai. Các địa phương, bộ ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng. Nếu cách làm không đổi mới, rất khó để đảm bảo tiến độ.
"Tiền bao nhiêu là một chuyện nhưng giải phóng được mặt bằng hay không lại là vấn đề khác. Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số một. Nếu chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu.
Đừng vì tiết kiệm trước mắt mà để dân phải sống bất an
Liên quan đến dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, khi thảo luận tại Tổ, các đại biểu đoàn Hà Nội tiếp tục có ý kiến về việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt vành đai, đề nghị thực hiện việc này dù tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc- đoàn Hà Nội bày tỏ quan điểm, có ý kiến cho rằng, nếu chưa thực hiện giải tỏa cho tuyến đường sắt thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng theo vị đại biểu này, khoản tiết kiệm đó là trước mắt, nhưng dài hạn chúng ta sẽ mất nhiều hơn, cả con số tuyệt đối và cơ hội. “Nhưng hơn hết là sẽ gây ra tâm lý bất an cho người dân. Giả sử thời gian dự kiến sẽ đầu tư tuyến đường sắt là 10-15 năm thì đó là 10-15 năm đau khổ vì chờ đợi của người dân trong vùng dự án”, đại biểu băn khoăn.
Với quan điểm, không thể vì tiết kiệm trước mắt mà để người dân phải khổ sở, và với tầm nhìn dài hạn, đây là tuyến đường sắt cần phải làm, thậm chí có thể làm sớm, ông Lộc đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong thu hồi đất để dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Quốc hội đồng thuận với 2 dự án đường Vành đai, để mở rộng không gian phát triển cho không chỉ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Vị đại biểu này phân tích thêm, so với các đô thị trên thế giới, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thuộc diện lớn về quy mô dân số, nhưng đang rất hẹp về không gian, nên cần mở rộng không gian, hình thành các chuỗi đô thị vệ tinh. Khi đó, các đô thị sẽ tiếp tục mở mang, phát triển về công nghiệp, dịch vụ... nhưng không gây quá tải cho trung tâm, mang lại lợi ích phát triển lan tỏa cho các địa phương trong vùng.
Đặc biệt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư vào 2 vành đai là một giải pháp quan trọng, có tính đột phá giúp Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tạo ra đà tăng trưởng mới, tiếp tục là động lực dẫn dắt cho nền kinh tế .
Đại biểu Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng băn khoăn làm sao ổn định chỗ ở của bà con, giúp bà con chuyển đổi nghề và sinh kế. Đây là vấn đề TP.Hồ Chí Minh đã có kế hoạch, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, TP.Hồ Chí Minh sẽ cùng với các tỉnh tổ chức hội nghị ngay để triển khai kế hoạch rất chi tiết.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, đối với TP. Hồ Chí Minh, để việc giải phóng mặt bằng nhanh và chuyện tái định cư cho bà con được ổn định thì TP đang rà soát lại các quỹ nhà tái định cư đang có để tiến hành tạm cư. Việc này sẽ giúp bà con không phải tự đi thuê.
“Trong chính sách bồi thường, những phần đi theo hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hay hỗ trợ sinh kế với tinh thần chỗ ở mới phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn chỗ ở hiện có, những sinh kế, nghề nghiệp được đảm bảo thì đời sống của bà con được ổn định” - đại biểu Phan Văn Mãi nói.