Nhiều ý kiến về chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn “Niềm tin của người lao động với tổ chức Công đoàn Khánh Hòa”, do Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Báo Lao Động tổ chức sáng 25/7 tại thành phố Nha Trang.
Nhiều yếu tố dẫn đến tranh chấp lao động và đình công
Theo TS. Vương Vĩnh Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh (Khánh Hòa), tranh chấp lao động (TCLĐ) và đình công luôn song hành với sự phát triển của nền kinh tế và cả khi kinh tế gặp khó khăn.
Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc đình công có xu hướng giảm dần. Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm hay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…
Nguyên nhân hầu hết do doanh nghiệp chậm chi trả lương, thưởng Tết, chất lượng ăn ca kém... Việc chậm điều chỉnh lương tối thiểu và tác động của đại dịch khiến lao động giảm sút thu nhập, mất việc làm… khiến lao động cạn kiệt tích lũy, dẫn đến lao động ngừng việc, yêu cầu tăng lương cơ bản, ăn ca, phụ cấp nuôi con nhỏ... Trong đó, nhân tố tác động không nhỏ đến việc đình công là do khủng hoàng kinh tế khu vực hay toàn cầu, tác động đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động đang là khó khăn chung của các nước trên thế giới. Ảnh: Nhật Khôi |
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cũng đưa ra thực tế, năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp buộc phải cắt, giảm lương hoặc giãn giờ làm, người lao động làm việc luân phiên hoặc cho người lao động thôi việc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động...
Nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động
Các xung đột tranh chấp và đình công là vấn đề phức tạp luôn nhận được sự quan tâm từ Nhà nước và các chủ thể liên quan. Do đó, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động và đình công nhằm hướng đến một nền kinh tế năng động, hiệu quả với việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, kinh tế xã hội vững mạnh.
TS. Vương Vĩnh Hiệp cho rằng, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người sử dụng lao động cần chăm lo quan tâm đến người lao động nhiều hơn. Ví dụ những buổi ăn ca cần được theo dõi chất lượng và điều chỉnh giá trị suất ăn theo sự biến động của giá lương thực và thực phẩm; tiền xăng cần được trợ cấp một phần hay toàn phần đối với người lao động tự túc phương tiện đi làm; với những doanh nghiệp có điều kiện thì chăm lo đến nơi ở trọ và các điều kiện sinh hoạt khác của người lao động.
Cùng với đó, phía công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, cần nhận thức được tầm quan trọng trong vai trò truyền tải nguyện vọng của người lao động. Còn các tổ chức công đoàn trên cơ sở, ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng cần nhắc nhở người sử dụng lao động chấp hành tốt việc nộp các khoản bảo hiểm và kinh phí cho người lao động, quan tâm đến đời sống người lao động…
Doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: Công ty TNHH Long Sinh |
Về việc giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động, ông Ngô Anh Duyệt – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nha Trang - cho rằng, tổ chức công đoàn cần định kỳ biểu dương điển hình tiên tiến trong công nhân viên chức, người lao động nhằm ghi nhận sự đóng góp của người lao động trong phong trào thi đua lao động sản xuất, ý thức chấp hành pháp luật lao động, cũng như biểu dương, vinh danh người sử dụng lao động chấp hành tốt pháp luật lao động. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, thăm, tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn… Cùng với đó, thực hiện đối thoại định kỳ giữa người lao động và người sử dụng lao động để góp phần thực hiện tốt pháp luật lao động.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Hoài Nam - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Hoạt động công đoàn tỉnh Khánh Hòa phải có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuyển mạnh vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Thiết thực chăm lo lợi ích cho đoàn viên, tập hợp thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức công đoàn Việt Nam; tạo niềm tin, tạo động lực mới để công đoàn thực sự là tổ chức đại diện tốt nhất của người lao động. |