Chấm dứt tính trạng “cơ quan cách nhau vài trăm mét, văn bản gửi cả tuần chưa đến”
Bà Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Đặc biệt đến nay, Chính phủ đã chính thức đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia với mục tiêu hướng đến một nền hành chính không giấy tờ, từng bước số hoá các hoạt động quản lý hành chính và xây dựng nền kinh tế số.
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phối hợp với VNPT xây dựng và triển khai Trục liên thông văn bản điện tử giữa UB và các doanh nghiệp |
Nhận thức rõ yêu cầu này, UB dù mới thành lập, song đi đôi với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp nhận chuyển giao vốn tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, thì công tác ứng dụng công nghệ thông tin được UB đặc biệt quan tâm với mục tiêu rõ ràng là từng bước cắt giảm văn bản giấy, giảm thời gian gửi, nhận văn bản, xóa bỏ tình trạng “cơ quan cách nhau vài trăm mét nhưng văn bản gửi cả tuần chưa tới nơi”.
Cụ thể, UB đang từng bước triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng thông tin điện tử nhằm tạo ra sự kết nối, tương tác giữa UB với các doanh nghiệp và người dân.
“Phần mềm Bộ chỉ số đã thể hiện sự minh bạch trong thông tin 2 chiều và hỗ trợ nghiệp vụ giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp, thể hiện cách làm mới và tạo sự gắn kết giữa UB và các doanh nghiệp” – bà Hà khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà: UB quyết tâm thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của UB và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên quan |
Được biết, Bộ chỉ số còn chia làm 4 nhóm ngành hàng quản lý đến từng doanh nghiệp với mục tiêu giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp để nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình nhân sự, tổng vốn, chi tiêu, các rủi ro về tài chính, quản trị (khả năng trả nợ, khả năng thanh toán...), ngân sách tiền lương, năng suất lao động... mà không cần đợi báo cáo từ các doanh nghiệp.
Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để Ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, hoạt động của Cổng thông tin điện tử của UB đang chuyển dần theo hướng đa phương tiện, cập nhật, đưa tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động của UB và doanh nghiệp, tuyên truyền đúng về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và góp phần nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp nối thành công trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, UB chủ trương xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử giữa UB và các doanh nghiệp theo đúng nội dung chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ rõ những khó khăn, như: trình tự thủ tục; việc lựa chọn công nghệ; việc kết nối liên thông, đồng bộ giữa UB với 19 doanh nghiệp trong điều kiện các doanh nghiệp có nền tảng và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau. Tuy nhiên, UB và các doanh nghiệp sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu quan trọng này.
Làm rõ hơn về định hướng xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử giữa UB và các doanh nghiệp, ông Trần Công Hoà – Phó Giám đốc phụ trách trung tâm thông tin của UB – cho biết, về môi trường kỹ thuật, sẽ đảm bảo phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế hiện nay của bản thân UB và các doanh nghiệp, thuận tiện cho các doanh nghiệp trong kết nối trên cơ sở chuẩn dữ liệu và kỹ thuật chung.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp có Trục riêng và ứng dụng chuẩn dữ liệu kết nối cũng sẽ được kết nối với Trục chung và có thể kết nối ra bên ngoài. Đặc biệt, nếu các doanh nghiệp kết nối liên thông qua Trục của UB thì sẽ gián tiếp kết nối với Trục liên thông quốc gia.
“Việc kết nối trong các trường hợp nói trên đều đảm bảo độ an toàn và tuân thủ các quy định của Chính phủ” – ông Hoà khẳng định.
Tại hội thảo, ông Tô Dũng Thái – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – cho biết, VNPT là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số và là đơn vị triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia - Hệ thống kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
“Đây là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối cơ quan nhà nước với người dân, tối ưu hoá hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động” – ông Thái nhấn mạnh và cho biết, với những thế mạnh đó, VNPT cam kết sẽ ưu tiên hỗ trợ tư vấn, triển khai hạ tầng, phần mềm, xây dựng phương án vận hành Trục liên thông văn bản điện tử cho UB và 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong thời gian tới.