3 cảnh sát hi sinh khi chữa cháy quán karaoke 6 tầng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội |
Những ai phải chịu trách nhiệm ?
Những ngày qua, dư luận cả nước vẫn không ngưng bàng hoàng và tiếc thương trước sự hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa).
Trước đó, ngày 1/8, thông tin sơ bộ ban đầu, đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 5 (nhà bếp) của quán karaoke ISIS cao 6 tầng đang dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cháy nghiêm trọng tại các quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy. Trước đó, vào năm 2016 cũng từng xảy ra vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) khiến 13 người chết, 4 ngôi nhà bị cháy.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại 231 phố Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội |
Không chỉ có vậy, đầu năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy còn để xảy ra tình trạng hoạt động “chui” bất chấp lệnh cấm. Theo đó, ngày 7/1/2022, cảnh sát kiểm tra quán karaoke ở số 5 Trần Duy Hưng, phát hiện hai phòng hát đang hoạt động. Tại đây có 16 nhân viên, 27 khách và thu giữ 27 chai rượu các loại, 57 bình khí N20, một túi bóng cao su.
Tại cơ sở kinh doanh karaoke số 45 Tú Mỡ, nhà chức trách phát hiện 2 phòng hát đang hoạt động, trong đó có 16 nhân viên và 8 khách. Qua test nhanh, nhà chức trách ghi nhận 3 nhân viên phục vụ quán hát dương tính với Covid-19.
Trước hàng loạt các sai phạm tại các quán karaoke, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao các cơ sở kinh doanh loại hình này lại có có thể dễ dàng “qua mặt” được các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy và để lại hậu quả nghiêm trọng. Liệu công tác cấp phép, kiểm tra bảo đảm an toàn đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã được chính quyền sở tại làm hết mình và có xử lý theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi” để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa diễn ra ? Không những thế, đối với vụ cháy tại quán ISIS làm chết chủ cơ sở kinh doanh và UBND quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm gì ?
Chính quyền quận Cầu Giấy có “đánh trống bỏ dùi” ?
Để sớm khắc phục hậu quả vụ việc và chủ động phòng ngừa chung, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả xảy ra đối với những vụ cháy nổ có thể xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các cơ quan, đơn vị phối hợp với Công an TP, quận Cầu Giấy khẩn trương tiến hành các công việc để khắc phục hậu quả vụ cháy.
Đồng thời, Đảng ủy Công an thành phố Hà Nội được giao chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật; quận ủy Cầu Giấy chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm khắc phục hậu quả, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Việc chỉ đạo khắc phục hậu quả và điều tra làm rõ nguyên nhân để không phải chứng kiến những vụ việc tương tự là điều rất nên làm. Song trước thực trạng trên địa bàn thủ đô vẫn thường xuyên xảy ra cháy nổ tại các quán karaoke dẫn đến chết người thương tâm, theo nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Lê Văn Hoạt, các cơ quan của thành phố cần rà soát lại xem chính quyền các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát phòng chống cháy nổ như thế nào.
“Việc đầu tiên phải xem khâu quản lý của chính quyền địa phương có đánh trống bỏ dùi? Nhiều khi làm ào ào một thời gian rồi đâu lại vào đấy”, ông Lê Văn Hoạt nói.
Đồng thời, ông Lê Văn Hoạt còn cho rằng khi xảy ra cháy trên địa bàn thì đương nhiên là có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong mỗi vụ việc. Do vậy, khi xảy ra những vụ cháy, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà phải xem xem trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào. Với những cơ sở bị cháy nổ thì phải kiểm tra lại hồ sơ để thấy rõ chính quyền sở tại có thường xuyên kiểm tra, giám sát hay không. Như tôi đã nói, thực tế nhiều khi chính quyền sở tại làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Lúc được yêu cầu thì đi kiểm tra ào ào, nhưng sau đó lại thả nổi. Làm như vậy thì sẽ còn xảy ra nhiều vụ cháy nổ. Hơn nữa, sau mỗi vụ việc nếu không rút ra được bài học thì rất khó “dập tắt” các đám cháy trên địa bàn”- ông Hoạt cho biết.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: Việc liên tiếp xảy ra những vụ cháy quán karaoke tại địa bàn quận Cầu Giấy là một vấn đề rất nghiêm trọng, đặc biệt trong những năm gần đây.
“Tôi cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng còn sơ hở, công tác kiểm tra không được thường xuyên, hoặc có thì cũng qua loa, chưa cương quyết xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Sự việc xảy ra ở quán karaoke trên đường Quan Hoa là rất đáng tiếc và rất nghiêm trọng. Trách nhiệm ở đây ngoài sự chủ quan của các cơ sở kinh doanh, còn thuộc về chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục và xử lý", ông Hòa nói.
Liên quan đến trách nhiệm của chủ quán karaoke ISIS, một số luật sư cho rằng trước hết, người chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ cháy trước hết là người đại diện theo pháp luật theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bởi quy định của pháp luật chỉ khi đủ các loại giấy phép chủ cơ sở mới được kinh doanh.
Các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, cơ quan chức năng cần phải làm rõ, thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke đang hoạt động kinh doanh hay ngừng kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Nếu xác định được nguyên nhân cháy do ai thì ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Căn cứ theo điều luật này, chủ cơ sở có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do quá trình thi công, sửa chữa, bộ phận thi công sẽ chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định bên thi công được thuê mướn thì chủ cơ sở phải có trách nhiệm bồi thường dân sự liên đới vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.