Theo anh Lâm Đình Hùng - Trưởng phòng sưu tầm kiểm kê bảo quản và trưng bày Khu di tích Kim Liên: “Từ những năm 1956, Đảng và chính phủ đã có chủ trương khôi phục di tích làng Sen và Hoàng Trù. Thời điểm đó, trên toàn quốc đây cũng là di tích lưu niệm đầu tiên về Người có tên gọi là Bảo tàng Kim Liên. Để lưu giữ được nguyên vẹn di tích, trong những năm đầu tiên, người bảo vệ, trông coi nhà Bác là hàng xóm của Người, đó là các cụ Nguyễn Sinh Hảo, Nguyễn Sinh Thoán, Nguyễn Sinh Vinh…”.
Về thăm quê Bác |
Những ngày này, đến thăm “Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha” của Bác, các di tích cũ được phục dựng gần như nguyên vẹn. Trở lại thăm quê Bác sau 10 năm, ông Nguyễn Trọng Kiểm – đến từ Cần Thơ xúc động nói: “Tôi thực sự cảm động bởi dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng các di tích, di vật ở quê Bác đều được giữ nguyên vẹn. Nghe lại các câu chuyện về Bác, tôi cảm nhận được tình nghĩa của Bác và tình người nơi đây, mọi thứ đều sâu lắng. Cuộc đời Bác, đơn giản, dung dị nhưng lại làm lên những điều kỳ vĩ…”.
Đến với quê hương Bác Hồ, du khách thập phương đều ấn tượng, ngỡ ngàng với những hình ảnh rất đỗi chân phương, bình dị của gia đình Bác và những câu chuyện xung quanh cuộc đời của Người. Ở đây, nơi quê nội Bác Hồ vẫn còn đó ngôi nhà của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – món quà mà nhân dân Làng Sen đã tặng cho ông sau khi đậu phó ở Khoa thi hội Tân Sửu (1901).
Du khách nước ngoài rất thích thú với những kỷ vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Đến năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi đây mới có thêm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được thành lập. Trong Khu di tích Kim Liên, khu nhà trưng bày các kỷ vật của Bác Hồ gắn với chủ đề “Quê hương, gia đình, thời niên thiếu” và “Bác Hồ đối với quê hương, quê hương đối với Bác Hồ” cũng để lại nhiều xúc động. Từ ngôi nhà ngang của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, hay chiếc rương vốn là của hồi môn của bà Hoàng Thị Loan, bộ phản nơi Bác Hồ và anh trai nghỉ ngơi cũng mới tìm lại được sau nhiều nỗ lực tìm kiếm. Trong những năm tháng chiến tranh, do sự phá hoại của bom đạn, để bảo vệ an toàn di tích, có thời điểm, di tích đã phải tháo dỡ, sơ tán, đưa các tài liệu, hiện vật về nơi an toàn.
Hiện ở Khu di tích Kim Liên có khoảng 4.000 hiện vật liên quan đến cuộc đời của Bác Hồ. Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Hùng, số hiện vật trưng bày chỉ chiếm một số lượng khá nhỏ, khoảng 500 hiện vật. Điều đáng trân trọng, trong số những hiện vật đang được cất giữ, ngoài một số hiện vật có được nhờ công tác sưu tầm thì còn rất nhiều hiện vật do các cơ quan, tổ chức và chính người dân trao tặng.
Mỗi ngày, Khu di tích Kim Liên đón hàng nghìn lượt khách. Những kỷ vật của Bác chính là một trong những yếu tố để lại dấu ấn sâu đậm đối với du khách khắp mọi miền đất nước |
Ngay khu chính cũng đang trưng bày 1 chiếc xe ô tô Gát 69 - từng chở Bác Hồ trong lần Người về thăm quê năm 1957. Còn đó bộ áo lụa Bác Hồ tặng cho cụ Mạc Văn Tuân ở xã Chiêu Lưu - Kỳ Sơn, bộ quần áo kaki Bác Hồ tặng anh hùng lao động Nguyễn Trung Thiếp... ;Nông trường Đông Hiếu, sau ngày Bác về thăm, cũng đã gìn giữ rất kỹ những kỷ vật liên quan đến Người như chiếc chén sứ Bác dùng uống nước, chiếc micro Bác dùng nói chuyện với anh em công nhân...
Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng nghìn du khách đến tham quan các hiện vật của Bác Hồ và gia đình ở Khu di tích Kim Liên. Những kỷ vật của Bác đem lại rất nhiều hiểu biết, tác động đến việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi chúng ta, lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng khi về với “quê chung”.
Hơn 70 năm đã trôi qua, những hiện vật được trưng bày tại Khu di tích Kim Liên nay cũng đã trở thành những kỷ vật biết nói, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa kết nối quá khứ và tương lai. Đó là lòng thành kính tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu dành trọn cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hòa bình, ấm no của nhân dân.