Những "chiến binh áo cam" bảo đảm dòng điện thông suốt trong nắng đổ lửa xứ Nghệ Nhân viên điện lực Nghệ An phát loa trong đêm, kêu gọi người dân tiết kiệm điện |
Tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An, đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đời sống của người dân những ngày qua. Việc mất điện trong bối cảnh nắng nóng đã gây bức xúc cho nhiều người tuy nhiên người dân cần chia sẻ với ngành điện khi nguồn điện gặp khó mà nhu cầu tiêu dùng lại tăng cao.
Cắt khẩn cấp khó để báo trước
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) Phạm Văn Nga cho biết, năm nay do nắng nóng cực đoan, đến thời điểm hiện tại ở miền Bắc các hồ thuỷ điện lớn hầu như không còn hồ nào đủ điều kiện để phát điện. Trong khi đó lượng thuỷ điện toàn miền Bắc chiếm xấp xỉ 30%, trong lúc đó phụ tải của mùa hè riêng đối với Nghệ An công suất tăng khoảng 31%, và về tốc độ tăng trưởng trong tháng 5 trên 17%. Chính vì vậy nguồn điện cấp cho mùa hè năm nay cực kỳ khó khăn.
Công nhân ngành điện nỗ lực bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện trong mùa nắng nóng |
Dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện miền Bắc (EVNNPC) và Trung tâm Điều độ Quốc gia về công suất phân bổ hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn tỉnh, thời điểm hiện tại, với công suất được phân bổ đã phải tiết giảm đến 30%, có nghĩa là không đủ để cấp điện hiện nay. Nếu không tiết kiệm, sử dụng lãng phí và điều hành không hợp lý thì việc tiết giảm sẽ phải còn nhiều hơn nữa.
Những tháng còn lại của năm 2023, thời tiết dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng cực đoan, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp nên nguy cơ thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra. Thiếu nguồn dự kiến từ tháng 5 đến tháng 8, với kịch bản phụ tải tăng trưởng khoảng 15%, toàn bộ hệ thống điện miền Bắc phải tiết giảm 1.000 - 2.400 MW.
Đối với Nghệ An sẽ phải tiết giảm từ 53 - 124MW trên tổng công suất toàn bộ tỉnh Nghệ An dự kiến từ 920MW - 950 MW, vào các khung giờ từ 11h00-16h00 và từ 20h30 - 24h00 trong những ngày nắng nóng khi nền nhiệt trên 38 độ C. Sản lượng điện tiêu thụ trong ngày nắng nóng toàn tỉnh dự kiến đạt xấp xỉ 17,5 triệu kWh, trong khi đó, sản lượng được phân bổ chỉ đáp ứng được khoảng 90%.
Những nhân viên PC Nghệ An trên các tuyến phố ở TP. Vinh tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm điện |
Lý giải về các trường hợp cắt điện mà không được báo trước, ông Phạm Văn Nga nêu, vào thời điểm từ ngày 19/5 đến ngày 23/5 và từ thời điểm 29/5 đến ngày 3/6, ở 2 thời điểm này Nghệ An đã phải giảm công suất 30%. Công suất đỉnh của Nghệ An những ngày cao điểm là 920MW, nhưng hiện nay chỉ được cấp từ 500-600MW. “Trong thời điểm đó, các hồ thuỷ điện về mực nước chết gần hết thì còn nhiệt điện. Như vậy với tất cả sự vận hành của các nhà máy nhiệt điện liên tục một thời gian dài, đối với quy trình vận hành nhà máy nhiệt điện thì khi thời tiết nắng nóng quá cũng phải làm mát và có thời gian nghỉ chờ làm mát. Tuy nhiên, khi phải vận hành liên tục dẫn đến sự cố của các nhà máy nhiệt điện, buộc lòng các Trung tâm Điều độ Quốc gia phải sa thải khẩn cấp một số khu vực và khi sa thải khẩn cấp thì việc thông báo kịp thời đến tất cả các khách hàng là không thể kịp.
Vừa qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã công khai lịch cắt điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động và linh hoạt hơn”, ông Nga cho hay.
Hiểu để thêm… thông cảm
Theo Công ty Điện lực Nghệ An, từ sự phân bổ của EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương (theo quy định) phân bổ công suất sử dụng cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Nghệ An. Để bảo đảm an toàn vận hành hệ thống, trong trường hợp bất khả kháng PC Nghệ An phải giảm cung cấp điện khẩn cấp tại một số khu vực.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều người dân, trên thực tế việc mất điện đột ngột nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua ít có sự giải thích thấu đáo từ phía cơ quan chủ quản. Việc cắt điện diễn ra một cách cơ học, không báo trước ở cả một vùng rộng có hoạt động của nhiều doanh nghiệp và hộ dân, đã gây ra nhiều bức xúc không đáng có.
Tại buổi làm việc giữa tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 8/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định, Nghệ An sẽ đồng hành, hợp tác, chia sẻ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tháo gỡ các khó khăn do khả năng cung ứng điện trong thời gian qua. Và thực tế, tỉnh Nghệ An đã quan tâm công tác này, trong đó đã ban hành Chỉ thị về việc tiết kiệm điện mùa khô và năm 2023.
Thấu hiểu với những khó khăn khách quan trước mắt của ngành điện, nhân dân và doanh nghiệp Nghệ An đang cùng tiết kiệm điện, đây là giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện các giải pháp cải tiến, sử dụng thiết bị đảm bảo mức tiêu hao năng lượng hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng điện. Đồng thời, cũng mong ngành điện có kế hoạch tiết giảm điện hợp lý, khoa học hơn, hạn chế tác động đến đời sống của người dân.