Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh |
Hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ, không vì lợi ích riêng
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng như chương trình cải cách hành chính, trong đó có việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngành.
Với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn tương đối lớn. Theo thống kê của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.
Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm 2016, 2017, 2018, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể năm 2016, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo đó đã bãi bỏ 03 điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất.
Ngày 9/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, theo đó bãi bỏ thêm 27 điều kiện.
Năm 2017, Bộ đã chủ động rà soát để xây dựng trình Chính phủ 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thuộc quản lý của ngành Công Thương như kinh doanh rượu, thuốc lá, khí, hóa chất, logistic...với dự kiến bãi bỏ thêm 75 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, vào tháng 9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017–2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm.
Trong tháng 10/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục ký ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019–2020. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại, tương đương 36,1%. Các lĩnh vực tập trung như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...
Trong các lần cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Công Thương đã căn cứ trên nguyên tắc: Thứ nhất: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; Thứ hai: Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thứ ba: Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014; Thứ tư: Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện; Thứ năm: Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Như vậy, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.
Giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu |
Vì lợi ích của doanh nghiệp, xã hội và quốc gia
Người đứng đầu và lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh luôn được Bộ quan tâm, được thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng.
Chưa nói về số lượng, nhưng qua các đợt cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục đã cho thấy thay đổi mang tính lịch sử của ngành Công Thương. Đặc biệt là sự thay đổi về mặt tư duy đổi mới cũng như quyết tâm cải cách vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp của lãnh đạo Bộ Công Thương. Thêm vào đó, việc tiên phong đi đầu của Bộ Công Thương đã lan toả được tinh thần cải cách tới các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Đồng thời thay đổi và hình thành được hệ tư tưởng cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành “vì dân phục vụ”; thay đổi phong cách, tác phong làm việc thay vì cơ chế xin cho, nhũng nhiễu trước đây của một số cán bộ công chức Nhà nước.
Theo báo cáo của Tổ công tác Chính phủ, cho đến tháng 8 năm 2019, các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776 trên tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Tại thời điểm đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng như nhiều chuyên gia đánh giá rằng phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy. Bởi, muốn cải cách như thế này, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích, bước lên một bước cao hơn, thúc đẩy cho phát triển chung.
Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp.
Các ý kiến phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp người dân thời gian qua đều bày tỏ, sự cải cách của Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ ngành khác nói chung đã mang lại những lợi ích thiết thực cho họ. Cụ thể, điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, thái độ phục vụ doanh nghiệp của cán bộ công chức đã có chuyển biến tích cực.
Chính trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đã cho biết, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành. Kết quả cho thấy, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%. Và khẳng định trong đó Bộ Công Thương cũng đạt mức yêu cầu với 47%.
Hiệu quả thực chất của việc cải cách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành là không thể phủ nhận. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82; năm 2017 vươn lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc. Năm 2018 - 2019, tuy thứ hạng về môi trường có sụt giảm nhưng nhiều chỉ số vẫn được đánh giá tốt, rất tốt và có cải thiện nhanh.
Một đánh giá khác của Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây, trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019" đã xếp hạng, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 hồi năm2018 lên mức 67 trong năm nay.
Bởi nếu môi trường kinh doanh không hiệu quả, không cải thiện chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không thể đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2019, GDP đã đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hoat động trở lại tiếp tục tăng. Công nghiệp 9 tháng đầu năm đã tăng gần 10%.
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp với con số hàng tỷ USD. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5 - 12%; thương mại điện tử tăng mạnh ở mức trên 25%.
Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện kinh doanh chính là công cụ để Nhà nước quản lý kinh tế. Việc cắt, giảm điều kiện không có nghĩa là xoá bỏ hoàn toàn mà phải phù hợp với từng giai đoạn. Trên thực tế dù có nhiều quy định chặt chẽ, song tình trạng doanh nghiệp vẫn tìm cách lợi dụng chính sách để làm giàu bất minh, thậm chí vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mong muốn của doanh nghiệp trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính một cách sâu rộng, thực chất là nhu cầu chính đáng song cũng không thể đột phá như thay 1 chiếc áo mới hay thuốc tiên nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - thương mại thay đổi từng ngày. Và Bộ Công Thương luôn tỏ rõ quan điểm cầu thị, tiếp thu lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy định quản lý nhà nước cho hoàn thiện, thích ứng với điều kiện thực tế và các cam kết hội nhập.
Những bất cập đã được chỉ ra trong báo cáo của CIEM hay các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế vẫn đang được Bộ Công Thương tổng hợp, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung trong thời gian tới.
Do đó một số ý kiến đặt câu hỏi cho rằng cải cách của Bộ Công Thương không thực chất hay chạy theo thành tích để làm đẹp báo cáo là không có cơ sở và hoàn toàn mang tính chủ quan, một chiều. Và như vậy, vô hình trung đã làm dư luận hiểu sai bản chất của vấn đề, tạo điều kiện cho các ý kiến không mang tính xây dựng chỉ trích và phủ nhận những nỗ lực, tâm huyết cải cách của Bộ và ngành Công Thương.
Có thể còn có những ý kiến khác nhau nhưng chắc chắn Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tiến trình cải cách của mình theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không vì lợi ích riêng mang tính cục bộ mà vì quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và quốc gia.