Cập nhật về tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các bộ, ngành đang triển khai khá tích cực, thể hiện qua các nhóm vấn đề cụ thể.
Chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp được triển khai ngay sau khi Nghị quyết 11/NQ-CP ban hành |
Thứ nhất, về nhóm vấn đề cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Đã có những chính sách được thực hiện ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ được thông qua. Điển hình là chính sách đến miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Bộ Tài chính đã trính Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%.
“Hiện tại, theo báo cáo sơ bộ, số tiền thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp đến nay đã đạt 9.000 tỷ đồng” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Bên cạnh chính sách đã thực hiện, có một số chính sách mới được ban hành và sẽ đi vào thực hiện trong thời gian tới, như: Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3 quy định về việc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách này sẽ được triển khai trong giai đoạn tới. Một chính sách nữa là hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ và làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam.
Nhóm thứ 2 là, các bộ, ngành đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP và trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ các văn bản dự thảo để xem xét quyết định, cụ thể như: Dự thảo nghị định về hướng dẫn, hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu; Dự thảo quyết định về phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho ngân hàng chính sách xã hội.
Nhóm thứ 3 là việc ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành theo thẩm quyền thì cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến. Cụ thể như sửa đổi Thông tư số 12 năm 2016 về sử dụng Quỹ phát triển khoa học-công nghệ của doanh nghiệp; Dự thảo thông tư về trang bị máy tính bảng cho Chương trình sóng và máy tính cho em; Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, đại học và công lập.
Riêng vấn đề đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, hiện Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tập hợp thêm danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Với các dự án đầu tư lớn, hiện 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, đặc biệt là 2 dự án đường vành đai của 2 thành phố, và 3 dự án cao tốc thuộc Bộ Giao thông vận tải cũng đã hoàn thành xong công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị cho thời gian tới trình quốc hội xem xét quyết định. Khi nào dự án được thực hiện đầy đủ thủ tục sẽ tiến hành giải ngân.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, Nghị quyết 43 cũng cho phép bổ sung vốn của Chương trình để thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nội dung này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phương án bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đầu đủ thủ tục trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để sắp tới đây có thể trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền, từ đó phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân.
Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của Chương trình, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Để triển khai Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43. |