Kinh tế Châu Á vẫn là một điểm sáng trong năm 2023 |
Chia sẻ những vấn đề đương đại của kinh tế châu Á là nội dung hội thảo quốc tế “Các vấn đề kinh tế đương đại tại các quốc gia châu Á” (CEIAC 2022). Hội thảo do Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), Đại học Tamkang (Đài Loan), nhà xuất bản Springer Nature vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo CEIAC 2022 là cơ hội để tất cả các nhà nghiên cứu học thuật, nghiên cứu sinh nhìn lại chặng đường đã qua trong quản lý và kinh doanh để kết nối và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thế kỷ XXI.
Quang cảnh hội thảo |
Cùng đó xây dựng diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu liên quan tới mọi mặt các vấn đề kinh tế Châu Á hiện nay cũng như các cơ hội và thách thức trong tương lai.
Bên cạnh đó đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế; cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ các vấn đề được nêu ra trong hội thảo, có thể đúc rút các bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp cho các vấn đề kinh tế tại Việt Nam.
Đồng thời kết nối hợp tác nghiên cứu giữa giảng viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) với các giáo sư, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, những năm gần đây, kinh tế thế giới và kinh tế châu Á nói riêng đã trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, những khía cạnh quan trọng của kinh tế và sự phát triển trong bối cảnh những thay đổi toàn cầu ở châu Á là rất đáng chú ý.
PGS, TS Nguyễn Anh Thu- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế phát biểu |
“Hơn nữa, trong tương lai, châu Á sẽ đối mặt với 2 thách thức: Sự già hóa dân số và tốc độ tăng năng suất lao động giảm. Với việc tốc độ già hóa đang tăng nhanh so với châu Âu và Hoa Kỳ, bên cạnh việc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các nước châu Á sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ y tế và an sinh xã hội. Đây là những yếu tố sẽ tạo áp lực lớn tới ngân sách và giảm tốc độ tăng trưởng”- bà Nguyễn Anh Thu nói.
Dự báo trong vòng 3 thập kỷ tới, xu hướng này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia như tại Châu Á giảm từ 0,5 - 1%. Một mối lo khác là tình trạng giảm tốc độ tăng năng suất lao động, khi IMF nhận định khu vực châu Á đang dần không bắt kịp với năng suất lao động cao của các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, dẫn tới nguy cơ thụt lùi về tăng trưởng kinh tế.
Tại hội thảo, các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thảo luận những vấn đề có ý nghĩa lớn trong liên kết học thuật mang tầm đa quốc gia. Trong đó có các vấn đề về: Quá trình xây dựng, phát triển bộ chỉ số và quá trình khảo sát, tính toán chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Việt Nam; mở rộng giáo dục đại học và việc làm cho thanh niên; lắng nghe thị trường, nghe quyết định chính sách tốt nhất, nhưng không phải lúc nào cũng lựa chọn; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): thương mại và đầu tư tự do ở Đông Á theo một “Quy tắc chung”.
GS. Yen-Ling Lin, trưởng Khoa Kinh tế, Đại họcTamkang - Đài Loan trình bày báo cáo |
Các chuyên gia dự hội thảo |
Cũng tại hội thảo, nhiều vấn đề về kinh tế cũng được các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học của Việt Nam, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đài Loan phân tích, chia sẻ. Trong đó đáng chú ý là các vấn đề về kinh tế và kinh doanh gồm lý thuyết kinh tế, phân phối thu nhập trong nước và quốc tế, các chính sách kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực kinh tế, năng suất, thị trường tài chính, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng; kinh tế xanh và phát triển bền vững gồm quá trình tăng trưởng, chính sách phát triển, chính sách công, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh; thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại tự do, thuế quan, sở hữu trí tuệ, luật quốc tế…