Xây dựng thương hiệu cho nông sản: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi: Chú trọng đến câu chuyện phía sau |
Mọi người đều phải có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu
Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới ở sát ngay bên cạnh cũng chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam với các yêu cầu cao hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Tọa đàm có sự tham gia của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương; ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng lãnh đạo các Sở, ngành địa phương. |
Chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 6/4, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: Câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là Nhà nước, cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt.
GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng, lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng Musang King ngon nhất thế giới. Trong khi đó với Việt Nam, dù gạo ST25 đã được quốc tế xướng danh ngon nhất nhưng người ngoài ít ai biết giống lúa nào ngon nhất của Việt Nam.
GS.TS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm về xây dựng thương hiệu cho lúa gạo |
Về phía doanh nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân ví dụ với gạo ST25, bản thân ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST25 - cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp...
Bên cạnh đó, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình.
“Không cho dồn điền đổi thửa thì không có diện tích lớn. Đây là khó khăn lớn để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam nếu nhà nước không bắt tay mạnh vào việc này. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn”- GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu đó, ngay cả người lái xe nếu không làm đúng cũng ảnh hưởng đến thương hiệu.
Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ phân tích lợi thế
Dưới góc nhìn của ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Theo ông Trần Bảo Minh, nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội. "Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất có giới hạn. Trong giới hạn đất và nước như vậy, phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cao nhất"- ông Minh nêu quan điểm.
Ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood: Xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ phân tích lợi thế |
Cũng theo ông Trần Bảo Minh, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.
Ông Minh dẫn chứng Iceland là một nước nhỏ, dân số ít. Thời tiết, khí hậu tạo điều kiện cho họ nuôi bò tự nhiên năng suất rất tốt. Chỉ cần 2 người có thể nuôi cả trăm con bò. Tuy nhiên, có được lít sữa từ số bò đó, nếu chỉ bán đi đơn thuần thì không có lợi nhuận. Một lít sữa bán giá 10.000 đồng không thể gánh nổi chi phí công nhân, bao bì, marketing, vận chuyển nên không thể cạnh tranh được. Vì thế, họ phải phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thực phẩm chuyên nghiệp.
Hay với câu chuyện của ngành chè, bà Võ Thị Tam Dân - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng cho biết: Hiện nay khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn là ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
Bà Dân dẫn ví dụ, trong ngành chè, 1kg chè oolong hái tay một tôm 2-3 lá, chất lượng cao giá xuất khẩu thô chỉ giao động ở 10-12 USD; tuy nhiên sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì lại được bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần. Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều bất cập trong quy trình sản xuất, chế biến, khiến cho trà Việt không được đánh giá cao về chất lượng và giá trị xuất khẩu.
Bà Võ Thị Tam Dân - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng: Vẫn còn hành trình dài để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường |
Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh gần 30 năm, bà Tam Dân cho rằng, để trà Việt nói riêng, và nông sản Việt nói chung có chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì các đơn vị sản xuất phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó phải thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến.
Bà Tam Dân cũng kiến nghị, đối với các cấp Chính quyền, các cơ quan quản lý cần duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ…