Bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 5: An toàn, chất lượng, tiến độ, tối ưu chi phí Công tác hậu cần trong BDTT lần 5 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: “Chu đáo, ân cần, tận tâm” |
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 (BDTT lần 5) Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất với hàng trăm công việc quan trọng được thực hiện như sửa chữa airing tại khu vực RFCC; thay thế/sửa chữa slive valve: SV-1501, SV-1503; thay thế Center pipe tại tháp tái sinh R-1304; cải hoán/cải tiến tháp T-1107; đại tu các máy nén quan trọng C-1551, C-1501, C-2101, C-2401, C-1301… được gọi là “Đường găng tiến độ” của dự án.
Bảo dưỡng Slide valve
Theo quy trình vận hành của NMLD Dung Quất, phân xưởng RFCC nhận cặn chưng cất khí quyển từ phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) lần lượt đưa vào cụm 4 tháp (D-1501, D-1502, D-1503 và T-1501) phản ứng với chất xúc tác để tạo ra sản phẩm. Tại tháp D-1501, hỗn hợp cặn chưng cất khí quyển tiếp tục chuyển đến tháp tách chính T-1501 để tách và tạo ra các sản phẩm như khí đốt, LPG, xăng nặng, dầu diesel, dầu đốt FO.
SV-1501 được sản xuất từ Ý, phục vụ cho công tác BDTT lần 5 NMLD Dung Quất. |
NMLD Dung Quất có gần 1.300 van, trong đó có 4 slide valve (SV-1501, SV-1502, SV-1503 và SV-1504), nằm ở 3 cụm tháp phản ứng phân xưởng RFCC. Slide valve có trọng lượng gần 10 tấn, chịu được nhiệt độ cao, áp suất cao khi thường xuyên có dòng lưu chất nóng chảy qua với nhiệt độ khoảng 740 độ C.
Kỹ sư Cao Văn Hiệp - Trưởng dự án gói 1 cho biết, slide valve 1501 có chức năng là điều chỉnh lưu lượng xúc tác để tạo ra phản ứng tại phân xưởng RFCC và đây là hạng mục đã được thay thế trong đợt BDTT lần 3 năm 2017. Đến nay, sau thời gian hoạt động, BSR nhận thấy slide valve 1501 có tình trạng nóng cục bộ, gây ảnh hưởng đến việc hoạt động của các khâu tiếp theo. BSR đã cố gắng khắc phục tình trạng này, nhưng được các chuyên gia tư vấn phương án khả thi nhất là thay thế slide valve mới. Và sau khi BDTT lần 5, BSR sẽ giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể từ 3 lên 4 năm nên việc thay thế slide valve 1501 là bắt buộc để đảm bảo an toàn vận hành. Slide valve 1501 được sản xuất từ Ý, với khoảng 8 tháng, slide valve 1501 được gửi về Việt Nam, phục vụ cho công tác BDTT lần 5 NMLD Dung Quất.
Xử lý bề mặt tiếp xúc để hàn van SV-1501 mới vào vị trí cũ. |
Việc thay thế một chiếc van như này mất rất nhiều công đoạn và rất khó khăn khi phải lắp dựng hệ giàn giáo, cắt nước, tháo rời, di chuyển một chiếc van nặng hơn 10 tấn từ độ cao hàng chục mét trong không gian chật hẹp, xung quanh nhiều thiết bị xuống mặt đất. Sau đó tiếp tục đục vỡ các kết cấu bê tông trên và dưới của phần kết nối van, mài phẳng điểm tiếp xúc van. Việc cẩu van mới lên để hàn và trám xi măng chịu nhiệt là phần việc cuối cùng nhưng hội tụ sự chính xác đến từng milimet.
Công việc ở đây rất nặng nhọc khi nhân sự phải làm việc trong không gian hạn chế nhiều bụi xúc tác, làm việc trên cao, thay thế các thiết bị nặng, luôn đối mặt với nguy cơ vật rơi từ trên cao… Đặc biệt, công việc nâng hạ van phải chính xác để không va van vào các đường ống công nghệ, máy móc sát ngay bên cạnh.
Bảo dưỡng “3 con mãnh sư”
Tại máy nén C-1551, chúng tôi gặp “tổng quản” Đỗ Nghĩa Lê. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng Lê đã có hơn 10 năm làm việc với cái máy nén này. Lê nói: Máy nén C-1551 làm nhiệm vụ nén và vận chuyển khí ướt để thực hiện quá trình công nghệ ở cụm phân xưởng RFCC. Qúa trình vận hành, C-1551 chạy… rất mượt. Tuy nhiên, máy móc là cả một khối thống nhất từ cơ khí tĩnh, quay, điện, bộ điều khiển… sau một thời gian cần phải ngừng máy để tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế một số thiết bị.
Máy nén C-1551 làm nhiệm vụ nén và vận chuyển khí ướt để thực hiện quá trình công nghệ ở cụm phân xưởng RFCC. |
Kỹ sư Đỗ Nghĩa Lê cho biết: “Bộ phận BDSC có thể tiên đoán được tầm 70 - 80% sự cố của chiếc máy nén C-1551 khi nó vẫn đang hoạt động; còn 20 - 30% sự cố của nó phải mở ra mới biết được nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch”.
Lần BDTT này, máy nén C-1551 được tiến hành BDTT với 2 phần việc khó nhất. Một là, tháo và di chuyển nắp trên của tuabin và rotor của tuabin vì nó nặng khoảng 5 tấn. Hai là, tháo và lắp bộ làm kín DGS của máy nén vì nó là phần rất quan trọng của máy, giúp làm kín không cho khí công nghệ rò rỉ ra ngoài. Sau khi các công việc xong, chuyên gia của hãng bản quyền công nghệ là Elliott Ebara (Nhật Bản) sẽ kiểm tra, chứng nhận chất lượng bảo dưỡng.
Máy nén C-1501 nằm ngay phía sau Phân xưởng RFCC cung cấp khí nén cho phân xưởng này. |
Máy nén C-1501 nằm ngay phía sau Phân xưởng RFCC cung cấp khí nén cho phân xưởng này. Kỹ sư Bùi Huy Phong cho biết: nhóm làm việc đã tháo được xong hoàn toàn tuốc bin hơi bao gồm phần vỏ (Casing), cụm trục quay (Rotor), cụm cánh tĩnh (Blade Carrier), cụm van điều tiết hơi (Live steam valve), van dừng khẩn cấp (Trip valve) và kiểm tra các thông số máy, khe hở của tuốc bin hơi ST-1501. Theo kỹ sư Bùi Huy Phong, lần này máy nén C-1501 sẽ thay mới rotor và cánh tĩnh để đảm bảo máy nén hoạt động an toàn, ổn định ở những năm tiếp theo.
Đứng trên cao nhìn xuống máy nén C-1501 giống như một cỗ máy khổng lồ đăng nằm ngang, há cái miệng rộng cả mét sẵn sàng hoạt động trở lại cung cấp khí nén cho phân xưởng RFCC. Trong điều kiện hoạt động bình thường, máy nén C-1501 gầm rú suốt ngày đêm, kỹ sư vận hành muốn đi kiểm tra phải trang bị bịt tai tránh ảnh hưởng thính lực. Và gần như máy nén C-1501 hoạt động một cách tự động, được điều khiển từ phòng Điều khiển Trung tâm của Nhà máy.
Máy nén C-2101 nén khí Propylene dạng khí sang dạng lỏng ở phân xưởng PRU. |
Máy nén C-2101 ở phân xưởng PRU thuộc cụm Phân xưởng RFCC có vẻ… hiền lành hơn. Bởi vì trong đợt BDTT lần này, máy nén C-2101 được bảo dưỡng với khối lượng công việc cũng tương đối nhiều, nhưng đều mang tính chất bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra, gần như không có sự thay thế thiết bị, phụ tùng nào quá lớn. Kỹ sư Lê Thái Thọ cho biết: Máy nén C-2101 làm nhiệm vụ nén khí Propylene dạng khí sang dạng lỏng ở phân xưởng PRU. 15 năm vận hành, máy nén C-2101 vận hành trơn tru và ít có sự cố. Tuy nhiên, nhóm công nhân kỹ sư cũng luôn làm việc với tâm thế quyết tâm cao nhất, hoàn thành sớm nhất hạng mục này, để góp phần vào thành công chung của gói thầu.
Đường găng tiến độ ở CDU và CCR
Tại phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU), đường găng tiến độ là tháp ổn định phân đoạn xăng Naphtha Stabilizer T-1107. Theo thiết kế ban đầu được lắp đặt với loại đĩa van, vận hành với lưu lượng đi vào tháp khoảng 240-255 m3/h so với thiết kế 201,4 m3/h dẫn đến chất lượng dòng sản phẩm LPG và Naphtha thấp. Kết quả đánh giá kỹ thuật các đĩa trong tháp ổn định Naphtha T-1107 cho thấy các đĩa hiện hữu có hiệu năng thấp hơn so với yêu cầu khi phân xưởng CDU chế biến dầu thô với phân đoạn nhiều Naphtha. Tháp T-1107 được thiết kế để thay đổi loại đĩa ECMD/ECMD+ (Enhanced Capacity Multiple Downcomer Tray) với hiệu suất cao và nâng số đĩa hiện hữu từ 32 đĩa lên 43 đĩa.
Nhân sự nhà thầu làm việc trong tháp T-1107. |
Kỹ sư Trương Quang Hoàng - PTSC Quảng Ngãi, đơn vị thi công hạng mục này cho biết: Trước đây mỗi đĩa khoảng cách là 610mm và nay tăng số đĩa lên sẽ rút ngắn khoảng cách còn 406mm. Việc thi công hạng mục ở tháp T-1107 là vô cùng khó khăn; đó là độ phẳng của ring support không được vượt quá 2,5mm giữa điểm cao nhất với điểm thấp nhất; thi công phải dùng máy lazer tự căn chỉnh độ phẳng và tháp cấu tạo khá hẹp, với phần trên có đường kính là 1,5m, phần dưới là 2,6m nên chỉ có thể cho phép 2 - 4 người làm việc cùng một lúc. Cuối cùng, khó khăn về mặt kỹ thuật được nhận định là mặt trong của tháp không tròn đều, nhiều vị trí thi công mất nhiều thời gian để cân chỉnh, tạo độ phẳng, độ tròn và không có khe hở. Với quyết tâm cao nhất, đơn vị liên danh nhà thầu PTSC Quảng Ngãi và Boilermaster Vietnam đã hoàn thành bảo dưỡng Tháp T-1107 vượt tiến độ, được BSR khen thưởng.
Tháp T-1107 được thiết kế để thay đổi loại đĩa ECMD/ECMD+ (Enhanced Capacity Multiple Downcomer Tray) với hiệu suất cao và nâng số đĩa hiện hữu từ 32 đĩa lên 43 đĩa. Đây là tháp nằm ở phân xưởng CDU và cũng là hạng mục công việc nằm trên đường găng tiến độ. |
Tại phân xưởng CCR, BSR và nhà thầu lắp đặt 4 ống Centerpipe cho 4 lò phản ứng chồng nhau. Khi hoạt động, ống Centerpipe sẽ làm nhiệm vụ quan trọng trong việc luân chuyển lưu chất và xúc tác để tạo ra phản ứng sau đó dòng lưu chất này đi vào bên trong ống Centerpipe và ra khỏi lò phản ứng. Phân xưởng CCR nhận nguyên liệu từ phân xưởng NHT để sản xuất ra xăng Reformate, phối trộn ra xăng RON 95. Ông Đào Xuân Giỏi - Phó Trưởng ban VHSX nhận định: Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, 4 ống Centerpipe chưa có cơ hội bảo dưỡng. Đây là kỳ bảo dưỡng đầu tiên với 3 Centerpipe và thay thế mới 1 ống. Và ống Centerpipe thay thế lại nằm dưới cùng nên cần phải cẩu cả 4 ống xuống mặt đất để bảo dưỡng, kiểm tra. Sau đó, ống thứ 4, ống được thay thế sẽ cẩu lên vị trị lắp dựng đầu tiên và lần lượt các ống khác được cẩu và hoàn thiện quá trình bảo dưỡng.
Điểm đặc biệt của hạng mục công việc này là phải huy động siêu cẩu 700 tấn túc trực 24/24 làm nhiệm vụ cẩu các thiết bị nặng xuống/lên. Vì vậy, khu vực quanh phân xưởng CCR luôn hạn chế người qua lại, đặc biệt là khu vực cẩu làm việc.
Center pipe là một thiết bị lõi nằm phía trên cùng của tháp CCR, có 4 đoạn. Đợt BDTT lần này BSR thay đoạn thứ 4 - là đoạn dưới cùng của thiết bị. |
Tại kỳ bảo dưỡng lần này, BSR và các nhà thầu sẽ thực hiện bảo dưỡng 546 thiết bị cơ khí tĩnh, 977 thiết bị đường ống, 67 thiết bị cơ khí, 275 thiết bị điện, 3.195 thiết bị tự động hoá và 67 dự án cải tiến (MOC) và 07 dự án Tie-in. Từng góc công trường, từng góc phân xưởng, máy móc và con người vẫn đang khẩn trương thực hiện công việc với quyết tâm cao nhất. Người lao động Việt Nam hay quốc tế vẫn vượt nắng, thắng mưa, tranh thủ từng phút, từng giờ để đảm bảo tiến độ toàn dự án với mục tiêu là: an toàn, tiến độ, chất lượng và tối ưu chi phí.