Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, quy định về vị trí, chức năng của CSBVN trong dự thảo Luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan tới CSBVN, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN hiện hành và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu |
Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, bộ đội biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, CSBVN là nòng cốt. Mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Trước một số ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 1 của dự thảo Luật là chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của một số lực lượng khác hoạt động trên biển và đề nghị quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nòng cốt”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định CSBVN là lực lượng chuyên trách của Nhà nước là kế thừa Điều 1 Pháp lệnh CSBVN hiện hành; thể chế hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định CSBVN là một trong những lực lượng “nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia”; thống nhất với Luật An ninh quốc gia, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là một trong những lực lượng chính, chủ yếu trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.
“Đối với hải quân và bộ đội Biên phòng, dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp với CSBVN (khoản 2 Điều 22); đối với công an, kiểm ngư, hải quan … có chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật” - ông Võ Trọng Việt cho hay.
Biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam |
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể phạm vi hoạt động của CSBVN để tránh chồng chéo với các lực lượng chức năng khác, trong đó có một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN hoạt động từ đường biên giới quốc gia trên biển trở ra để phù hợp với năng lực, trang bị của CSBVN; có ý kiến đề nghị CSBVN hoạt động từ đường cơ sở trở ra hoặc giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Ông Võ Trọng Việt khẳng định, quy định “CSBVN hoạt động trong vùng biển Việt Nam” là kế thừa Pháp lệnh hiện hành; phù hợp đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam, thực tiễn hoạt động của CSBVN, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo giai đoạn hiện nay. Thực tế, một số vùng biển chưa xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải; một số vùng có nội thủy rộng, thường xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong khi các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn hạn chế.
Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm; đồng thời lãng phí nguồn lực và làm hạn chế sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. “Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung khoản 1 Điều 11 như sau: “Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này” - ông Võ Trọng Việt nói.