Gần đây mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư, cán bộ ngân hàng và đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Theo đó, kẻ giả danh thường đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo cần thu hồi lại tiền, nên đã lợi dụng để quảng cáo cung cấp dịch vụ "đòi tiền hộ". Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu.
Giả danh luật sư hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo để tiếp tục lừa nạn nhân. |
Tại những hội nhóm, khi thấy có nạn nhân vừa bị lừa đảo đăng bài hoặc bình luận kể câu chuyện của mình, các đối tượng lừa đảo đã chủ động inbox để dụ dỗ họ kết nối với các fanpage hoặc một chuyên gia giả danh để được giúp đỡ.
Do đang hoang mang khi bị lừa đảo mất một số tiền lớn, nhiều nạn nhân đã tin tưởng vào những lời giới thiệu và chủ động kết nối với các “chuyên gia” này. Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các thông tin sao kê ngân hàng và tài khoản của các đối tượng lừa đảo trước đó, “chuyên gia” sẽ đưa ra các thông tin không có thật nhưng đầy những ngôn ngữ chuyên ngành để nạn nhân thêm tin tưởng.
Lúc đầu, các “chuyên gia” này luôn nhấn mạnh việc sẽ thu hồi được tiền lừa đảo giúp nạn nhân mà không cần mất một đồng tiền phí nào. Tuy nhiên, các đối tượng sử dụng các chiêu trò để bịa ra một lý do phù hợp, đẩy cho nạn nhân một lỗi nào đó và yêu cầu nạn nhân phải chuyển phí.
Anh N.V.L (Bắc Ninh) cho biết sau khi bị các đối tượng giả mạo tuyển dụng Shopee lừa mất 300 triệu anh có đăng bài truy tìm đối tượng trên group ''Cảnh báo lừa đảo'' thì được một thành viên trong đó giới thiệu cho một chuyên gia, có profile cá nhân là đang công tác tại Vụ Tài chính – kế toán, Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, trên trang của người này có rất nhiều thông tin về các vụ thu hồi lại tiền bị lừa đã giải quyết thành công nên anh đã tin tưởng.
Ban đầu, vị “chuyên gia” này tuyên bố chắc nịch số tiền mà đối tượng lừa đảo anh L. đã bị khóa và sẽ chuyển về tài khoản vào ngày hôm sau. Để nhận lại được tiền, anh L. phải chuyển cho đối tượng 2 triệu đồng phí chuyển nhanh. Tuy nhiên, sau khi đã chuyển 2 triệu đồng, đối tượng lại yêu cầu anh L. phải thanh toán thêm 5% số tiền đã lấy lại được tương đương 15 triệu đồng. Do đã cạn kiệt tài chính sau khi bị lừa, anh L. đã không có khả năng thanh toán nốt số tiền nói trên.
Lúc này, đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để thuyết phục anh L. đi vay mượn tiền, cảm thấy nghi ngờ anh L. tiếp tục lên các hội nhóm tìm hiểu và được biết đó là thủ đoạn lừa đảo lần 2 của các đối tượng lừa đảo.
Trường hợp tương tự, chị Đ.T.M (Bình Dương) cũng gặp một đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng để hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo thu hồi lại tiền. Đối tượng cho biết, đang công tác tại ngân hàng nên có khả năng khóa tài khoản của kẻ lừa đảo và thu hồi lại tiền. Tuy nhiên, đối tượng yêu cầu phải chuyển 1,25 triệu tiền phí thì mới thực hiện được việc thu hồi. Do sợ bị lừa đảo chị M. yêu cầu khi nào 30 triệu được hoàn trả, thì sẽ thanh toán gấp đôi số tiền phí, nhưng đối tượng không đồng ý.
Thấy nạn nhân không chịu chuyển tiền, các đối tượng đã giảm số tiền phí đó xuống hơn 600 ngàn đồng. Nghi mình tiếp tục bị lừa, nên chị M. đã không chuyển tiền cho các đối tượng.
Để không bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân nên kiểm chứng thông tin các lời quảng cáo trên mạng xã hội. Nếu trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên lập tức trình báo cho cơ quan chức năng . Thay vì đưa thông tin cá nhân, vụ việc của mình lên mạng xã hội để rồi tiếp tục trở thành nạn nhân bị các đối tượng giả danh luật sư, chuyên gia kinh tế, nhân viên ngân hàng… lừa đảo.