Cái chết của cô gái trẻ và lời cảnh tỉnh về bệnh dại
Mới đây, bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã kể câu chuyện buồn, ám ảnh về cái chết của một cô gái trẻ vì bệnh dại: Bệnh nhân nữ mới ngoài 20 tuổi, nằm co người trên cáng, thỉnh thoảng lại lên cơn thở nhanh hồng hộc. Mỗi lần như thế, cậu bạn trai đi cùng luống cuống cho uống ít nước nhưng bị bệnh nhân gạt ra, từ chối. Khi khám lại cho bệnh nhân thì thấy hầu hết không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc giảm phản xạ gân xương và tăng tiết nước bọt nhiều. Cậu bạn trai kể, 2 ngày nay, cô gái luôn cáu gắt và la hét.
Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp |
Xem lại bệnh án, kết quả đường huyết tăng, bác sĩ Hùng bất chợt rợn tóc gáy, chạy vội ra lay bệnh nhân hỏi làm nghề gì. Bệnh nhân làm bác sĩ thú y, 2 tháng trước có khám cho 1 con chó nhỏ bị viêm phổi. Lúc tiêm cho nó, cô gái bị cắn vào ngón tay. Do chủ quan vết xước nhỏ không cần tiêm phòng nên chỉ sát trùng.
Trước khai báo bệnh án và khám lâm sàng, bác sĩ Hùng kết luận theo dõi cơn dại. Vài ngày sau, cô gái tử vong. Kết quả từ Viện vệ sinh dịch tễ trung ương trả về có PCR dịch não tủy dương tính với virus dại.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.
Khi tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động từ chó ốm hoặc có biểu hiện nghi ngờ thì xấp xỉ 11% số mẫu dương tính với virus dại.
Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Điển hình như Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca), Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong)… Tại Hà Nội, hầu như năm nào cũng có người tử vong vì bệnh dại.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo thấp
Bộ Y tế phân tích, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin.
Báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ: Hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao. Đây là quan niệm không đúng. Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng Đông y, hoặc đi lấy nọc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.
Trước phong trào nuôi thú cưng ngày một phát triển, số người bị cắn tăng lên, các chuyên gia cho hay, cách duy nhất để đối phó với bệnh dại là tiêm phòng vắc xin dại cho người bị cắn, còn khi đã phát bệnh rồi thì không có thuốc nào chữa được.
Để quản lý chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại. Bộ Y tế đề nghị UNBD các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời.
Đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Sở Y tế các tỉnh, thành tiếp tục mở rộng và tăng cường điểm tiêm vắc xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.
Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).
Hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Trong khi, một khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm virus dại có khả năng tử vong gần như 100%. |