Các vụ chảy nổ trong khu vực dân cư tăng
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình cháy nổ giảm cả 2 tiêu chí là số vụ và thiệt hại về người, so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các vụ cháy nổ tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm số lượng lớn (395 vụ, chiếm 46,75% tổng số vụ cháy) và cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (156 vụ, chiếm 18,46% tổng số vụ cháy).
Vụ cháy nổ tại xưởng sản xuất bánh kẹo tại Khu A, khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội |
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm chết 38 người, bị thương 6 người. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kho tàng có mặt hàng dễ cháy, như Hà Nội 5 vụ, Đồng Nai 4 vụ, TP. Hồ Chí Minh 3 vụ.
Riêng trong tháng 5, toàn quốc đã xảy ra 154 vụ cháy làm chết 10 người, bị thương 3 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 33,23 tỷ đồng. So với tháng 4/2022, tăng 22 vụ cháy (tăng 18,18%); số người chết tăng 2 người, số người bị thương giảm 2 người; thiệt hại về tài sản tăng 10,73 tỷ đồng (tăng 47,6%). Cũng trong tháng 5 này, phần lớn các vụ cháy là cháy nhà dân; cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.
Mới đây nhất, tối mùng 9/7, tại xưởng sản xuất bánh kẹo tại Khu A, khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Khu vực xưởng sản xuất xảy ra cháy có diện tích khoảng hơn 300 m2, kết cấu khung thép, mái tôn, bên trong chứa các nguyên liệu dễ bén lửa như giấy, bìa carton, túi nilon… Mặc dù đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng cũng tổn thất rất nhiều về kinh tế.
Theo phân tích của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), nguyên nhân các vụ cháy thời gian qua chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sự cố kỹ thuật và vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Đảm bảo an toàn trước khi sản xuất
Từ các vụ “bà hỏa” ghé thăm cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã và đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn về phòng, chữa cháy nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Đáng chú ý tại Hà Nội, do nhu cầu về sinh hoạt, phát triển kinh tế, số lượng hộ gia đình sử dụng nhà ở, kết hợp kinh doanh, sản xuất chiếm số lượng lớn. Trong khi đó, các hộ gia đình xây dựng chỉ với mục đích để ở, sau đó chuyển đổi kết hợp kinh doanh, sản xuất nên các điều kiện về phòng chống cháy nổ như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, giải pháp thoát nạn, ngăn cháy, sử dụng điện không đảm bảo; thường xuyên tồn chứa các loại đồ dùng, vật dụng, hàng hóa, sản phẩm dễ cháy, do đó tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; khi xảy ra cháy, nổ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Hay tại Bắc Giang, theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bắc Giang), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy.
Một trong những nguyên nhân là do máy móc vận hành liên tiếp trong thời gian dài, đường dây điện bị quá tải đã gây ra chập, cháy hệ thống điện dẫn đến các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, nhiều người dân chủ quan, bất cẩn, lơ là trong sử dụng các thiết bị điện; hệ thống đường dây dẫn cũ, xuống cấp, chồng chéo, mắc tạm bợ, luồn lách qua nhiều vật dễ cháy… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy.
Trên thực tế, sau hơn 2 năm tạm dừng sản xuất, kinh doanh vì dịch bệnh, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang mở rộng hoạt động trở lại. Nhiều hệ thống máy móc, thiết bị phải tạm ngưng sau một thời gian giãn cách không được kiểm tra cẩn thận khi đưa vào hoạt động. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, mỗi người dân cần cẩn trọng kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ...
Các địa phương cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện, thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở trên địa bàn được phân công; tăng cường kiểm tra đối với khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn theo phân công, phân cấp; kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục ngay các tồn tại; duy trì điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ các công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.