Hội thảo Phòng, chống tật khúc xạ học đường với chủ đề “Chung tay giữ đôi mắt sáng và khỏe mạnh cho bệnh nhân có độ cận cao” |
Cụ thể, theo nghiên cứu của Ian Morgan, trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) tiến hành năm 2015, khoảng 50% dân số châu Á mắc tật khúc xạ. Trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện thị giác Brien Holden (BHVI), đến năm 2050, trên toàn thế giới, cứ 2 người thì có 1 người bị cận thị. Tại Việt Nam, khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 10 - 15% trẻ em ở độ tuổi 6 - 15 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20 - 40%.
Tại hội thảo, TS.BS. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên... nhưng chưa được quan tâm đúng mực. Nhiều người thờ ơ cho rằng, đây là tình trạng quá bình thường, không có gì nguy hiểm.
Tại Việt Nam, khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhãn khoa nhấn mạnh từ 0 - 17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh. Người có độ cận thị cao trên 6 Diop không những gặp phải nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày do tầm nhìn suy giảm, mà nguy hiểm hơn những biến chứng về đáy mắt, luôn rình rập khiến người cận thị cao có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Điều này là do khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm; còn võng mạc bị kéo mỏng đi sẽ gây ra hàng loạt các biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc,… Tất cả những yếu tố này đều là những bệnh lý mắt có thể gây mù hàng đầu hiện nay, làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, TS. BS Vũ Anh Tuấn cho hay.
Do vậy, để phòng tránh tật khúc xạ, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng: Cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện mờ mắt, nheo mắt... |
Phụ huynh nên bố trí nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Điều chỉnh tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8 - 10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều...
Dù là tật khúc xạ phổ biến nhưng nếu không được chăm sóc và bảo vệ kịp thời, cận thị sẽ khiến “bộ đôi” quan trọng nhất của mắt là thủy tinh thể và võng mạc gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng cường bảo vệ hai yếu tố này chính là giải pháp bền vững giúp bảo vệ thị lực, chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm gây mù lòa.
Chính vì vậy, khi phụ huynh cảm thấy trẻ có vấn đề về mắt nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị, tránh dùng các biện pháp chữa dân gian hoặc các cơ sở không đảm bảo uy tín, sẽ ảnh hưởng tới thị lực trẻ sau này, TS. BS Vũ Anh Tuấn khuyến cáo.